Doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích không được đình công

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định 122/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 quy định Danh mục doanh nghiệp không được đình công và việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở doanh nghiệp không được đình công. Nghị định này bãi bỏ Nghị định 51/CP ngày 29/8/1996 của Chính phủ về việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở doanh nghiệp không được đình công; Nghị định số 67/2002/NĐ-CP ngày 9/7/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung danh mục doanh nghiệp không được đình công ban hành kèm theo Nghị định số 51/CP.

Doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích không được đình công

Theo Nghị định trên, các doanh nghiệp không được đình công gồm doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích và doanh nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế quốc dân. Danh mục doanh nghiệp không được đình công ban hành kèm theo Nghị định này chia thành 5 nhóm: Các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp (thủy điện, nhiệt điện, điện lực, dầu khí...); giao thông vận tải (nhà ga, cụm cảng hàng không...); dịch vụ bưu chính, viễn thông (phát hành báo chí, Cục bưu điện Trung ương...); nông, lâm, ngư nghiệp (khai thác công trình thủy lợi); dịch vụ đô thị hoạt động trên địa bàn các thành phố loại đặc biệt, loại I và II (môi trường đô thị, thoát nước...).

Căn cứ vào tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục doanh nghiệp không được đình công theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an.

Người sử dụng lao động, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phối hợp giải quyết yêu cầu của tập thể lao động

Định kỳ 6 tháng một lần, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn và đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghe ý kiến của người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp không được đình công để kịp thời giải quyết yêu cầu chính đáng của tập thể lao động.

Nghị định 122/2007/NĐ-CP quy định: Khi có yêu cầu của tập thể lao động, người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để giải quyết. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu mà các bên không giải quyết được thì người sử dụng lao động phải báo cáo với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải báo cáo với tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp để phối hợp giải quyết.

Cũng trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn và cơ quan có liên quan để giải quyết. Trong trường hợp không giải quyết được hoặc vượt quá thẩm quyền thì Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phải báo cáo ngay với UBND cấp tỉnh để phối hợp với Bộ, ngành có liên quan giải quyết.

Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp không được đình công

Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp không được đình công thì mỗi bên hoặc cả hai bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội động trọng tài lao động giải quyết. Trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Hội đồng trọng tài lao động phải tiến hành hòa giải và giải quyết. Thời hạn này đã được rút ngắn hơn so với quy định cũ tại Nghị định 51/CP (7 ngày). Trường hợp một bên hoặc cả hai bên không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

. (Luật Việt Nam)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục