Theo quy định hiện tại, đối tượng có quyền mua lại doanh nghiệp Nhà nước bao gồm tập thể hoặc cá nhân người lao động trong doanh nghiệp, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công dân Việt Nam có đủ năng lực hành vi dân sự...
Cũng theo ông Cường, việc sửa đổi các Nghị định này sẽ tăng quy mô doanh nghiệp được phép mua bán không giới hạn, miễn là đáp ứng điều kiện Nhà nước không giữ cổ phần và không cổ phần hóa được. Quy định hiện tại chỉ cho phép mua/bán lại doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng.
Hoạt động mua bán doanh nghiệp hiện mới chỉ diễn ra đối với những doanh nghiệp đã bên bờ vực phá sản, thậm chí lẽ ra phải làm thủ tục phá sản nhưng do thủ tục phức tạp nên chuyển sang hình thức mua bán. Ngoài ra, Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004 cũng chú trọng nhiều hơn vào sắp xếp từ phía cơ quan chủ sở hữu. Quy định này có thể dẫn đến hạn chế việc sát nhập tự nguyện để hình thành các tập đoàn kinh tế lớn - quá trình cần thiết cho cạnh tranh và hội nhập và là xu hướng của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Một sửa đổi quan trọng khác là các văn bản pháp luật về mua bán doanh nghiệp sẽ nhấn mạnh việc đấu giá, đấu thầu. Dự thảo sẽ sửa và bổ sung hình thức đấu giá nếu doanh nghiệp không còn lao động hoặc sẽ bán theo phương thức trực tiếp nếu không có trên hai đối tượng nhận mua.
Ngoài ra, Dự thảo cũng sẽ giảm bớt các ưu đãi trong chính sách về giảm giá mua doanh nghiệp. Hiện mức ưu đãi với tập thể mua doanh nghiệp lỗ từ 50-100% được giảm 70% giá,mua doanh nghiệp lỗ dưới 50% giảm 50% giá. Các đối tượng không phải tập thể mua doanh nghiệp lỗ cũng được giảm từ 50-20%. Theo ông Cường, việc áp dụng các ưu đãi trên nhằm khuyến khích doanh nghiệp mua để giải quyết các vấn đề lao động và xã hội. Tuy nhiên, theo ông Cường, các ưu đãi trên sẽ được giảm hoặc thay thế bằng những chính sách khác về lao động.
(Nguyễn Hoàng – VietNam Economy)