Theo Công văn 1759/BNV-CTL&BHXH, căn cứ quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Bộ Nội vụ yêu cầu các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý hoạt động cho thuê lại lao động, cụ thể như sau:
- Về cấp phép và quản lý hoạt động cho thuê lại lao động: Các cơ quan chức năng thực hiện việc cấp phép cho các doanh nghiệp cho thuê lại lao động, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền và phổ biến pháp luật: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về cho thuê lại lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động cũng như doanh nghiệp tham gia.
- Kiểm tra và giám sát hoạt động cho thuê lại lao động: Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp cho thuê lại lao động và các doanh nghiệp thuê lao động, đặc biệt chú ý đến danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm
- Phối hợp với ngân hàng thương mại: Các cơ quan phối hợp với các ngân hàng thương mại nhận tiền ký quỹ để cập nhật thông tin về tiền ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
- Đôn đốc doanh nghiệp báo cáo: Doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động phải thực hiện công tác báo cáo định kỳ theo đúng quy định pháp luật.
- Cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử: Các địa phương cập nhật thông tin về doanh nghiệp được cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động nắm bắt thông tin.
- Báo cáo định kỳ: Các cơ quan tổng hợp, báo cáo về tình hình cho thuê lại lao động và gửi báo cáo định kỳ hàng năm về Bộ Nội vụ.