Điểm đáng chú ý là Thông tư có sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện thành lập trường, đình chỉ hoạt động và giải thể trường cao đẳng; cụ thể, thay vì 02 trường hợp như quy định trước đây thì với việc ban hành Thông tư này, có đến 05 trường hợp trường cao đẳng có thể bị đình chỉ hoạt động là: Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động đào tạo; không bảo đảm một trong các điều kiện đăng ký hoạt động; người cho phép hoạt động đào tạo không đúng thẩm quyền; sau 03 năm kể từ khi có Quyết định cho phép hoạt động đào tạo, nhà trường không tuyển sinh và tổ chức đào tạo; trường vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục, bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ đình chỉ.
Sau thời hạn đình chỉ, nếu trường cao đẳng khắc phục được những nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép nhà trường hoạt động đào tạo trở lại; trường hợp hết thời hạn đình chỉ hoạt động mà vẫn không khắc phục được nguyên nhân bị đình chỉ, trường cao đẳng phải tiến hành thủ tục giải thể.
Cũng tại Thông tư này còn có một số sửa đổi, bổ sung khác như: Để được đăng ký hoạt động, trường cao đẳng phải đảm bảo tỷ lệ không quá 25 sinh viên/giảng viên mỗi khối kiến thức của tất cả các ngành đào tạo (thay vì tỷ lệ 30 sinh viên/giảng viên như quy định trước đây), trong đó có ít nhất 15% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên.
Việc đăng ký tên trường cao đẳng cũng được quy định cụ thể hơn, theo đó, tên trường cao đẳng đăng ký bằng tiếng Việt và tiếng Anh, bao gồm các thành phần: Trường cao đẳng + tên lĩnh vực hoặc ngành đào tạo chính (nếu cần) + tên riêng. Tên trường cao đẳng không được trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với tên của các trường cao đẳng, trường đại học đã đăng ký, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân và tổ chức khác theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Các trường cao đẳng cần đăng ký bảo hộ tên trường rút gọn bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2011.
- LuậtViệtnam