Đây là điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/7/2020.
Hạ điều kiện hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để duy trì việc làm cho người lao động (Ảnh minh họa)
Nghị định này đã giảm điều kiện để người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Cụ thể, ngoài các điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, kinh doanh bị “lỗ”, có phương án đào tạo nghề, người sử dụng lao động phải:
Gặp khó khăn thuộc các trường hợp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng dưới 200 lao động; từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 200 đến 1000 lao động; từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 1000 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 01 tháng.
(Quy định cũ là: Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 300 lao động trở xuống và từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới 03 tháng).
Nghị định cũng bổ sung trường hợp được coi là bất khả kháng do: Thực hiện yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh.