Để xảy ra buôn lậu tại địa phương, Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm

Hôm qua (11/12/2008), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện 2192/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

 

Trong những tháng cuối năm, do biến động bất lợi của suy giảm kinh tế thế giới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng có nguồn gốc nhập khẩu đã có những diễn biến phức tạp mới. Đã xuất hiện dấu hiệu một số tổ chức, tư thương câu kết với chủ hàng bên ngoài và các chủ đầu nậu gom hàng, vận chuyển thuê bên trong để tìm cách nhập lậu, trốn thuế, không qua kiểm định chất lượng hàng hóa, gây tác động xấu đến sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc làm của người lao động.

 

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các tỉnh vùng biên giới, cần nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc khai thác trái phép và xuất khẩu lậu các loại khoáng sản, chống nhập lậu các loại vật tư, hàng tiêu dùng... trong hoạt động buôn bán biên mậu, góp phần thực hiện chủ trương đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ các loại hàng hóa sản xuất trong nước.

 

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp nắm tình hình cung cầu các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng, than, giấy, đường ăn, thuốc chữa bệnh..., phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát lưu thông các loại vật tư này theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, phối hợp với cơ quan quản lý cạnh tranh, các cơ quan quản lý giá và thuế để kiểm tra, kiểm soát các biểu hiện liên kết độc quyền tăng giá, ép giá và các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán theo quy định hiện hành, nhất là đối với các loại hàng hóa thuộc diện bình ổn giá; thực hiện xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.

 

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban Chỉ đạo 127/TW) hướng dẫn Ban Chỉ đạo 127 địa phương xây dựng và triển khai cụ thể các phương án kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với các vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất, thuốc chữa bệnh cho người và các mặt hàng thực phẩm, đồ uống..., trong đó, cần chú trọng tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với hoạt động buôn bán biên mậu ở từng khu vực và tại các địa bàn lưu thông, phát luồng hàng hóa chủ yếu, tránh tình trạng lơi lỏng kiểm tra trong khâu nhập khẩu rồi kiểm tra chiếu lệ ở khâu lưu thông.

 

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh biên giới chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tình hình xảy ra buôn lậu tại địa phương mình.

 

Các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh kịp thời, trung thực chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng... để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này; phản ánh kịp thời tình trạng buôn lậu trên từng địa bàn để các lực lượng chức năng có biện pháp tăng cường phòng, chống.

 

. Theo Website Chính phủ

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.