Theo đó, Nghị định quy định danh mục 146 nhóm dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc 19 lĩnh vực như: Xây dựng; Sản xuất vật liệu xây dựng; Giao thông; Năng lượng, phóng xạ; Điện tử, viễn thông; Thủy lợi; Dầu khí; Xử lý chất thải; Chế biến thực phẩm; Sản xuất phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; Hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm; Dệt nhuộm và may mặc…
Chủ đầu tư các dự án này có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các trường hợp: Thay đổi địa điểm thực hiện dự án; Không triển khai thực hiện dự án trong thời gian 36 tháng; Thay đổi quy mô, công suất hoặc công nghệ làm gia tăng mức độ tác động xấu đến môi trường hoặc phạm vi chịu sự tác động do những thay đổi này gây ra.
Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi). Trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tham vấn ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án và đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải dự báo tác động của dự án đến các điều kiện tự nhiên, thành phần môi trường tự nhiên, cộng đồng và các yếu tố kinh tế - xã hội có liên quan, kết quả tham vấn cộng đồng; các biện pháp khắc phục cũng như cam kết của chủ dự án về việc thực hiện các biện pháp đó.
Cũng theo Nghị định này, các dự án đầu tư có tính chất, quy mô, công suất không thuộc danh mục hoặc dưới mức quy định; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư nhưng có phát sinh chất thải sản xuất thì phải lập, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/06/2011 và thay thế quy định tại các Điều từ 6 đến 17 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006; các khoản từ 3 đến 10 Điều 1 Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008.
- LuậtViệtnam