Đó là ý kiến của ông Vũ Huy Toản, Phó GĐ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TP.HCM, trong buổi làm việc giữa đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cùng nhiều lãnh đạo Sở, ngành nhằm góp ý xây dựng Luật Giao dịch điện tử và khảo sát tình hình thực hiện giao dịch điện tử tại TP, vào chiều 21/2.
Ông Lương Văn Lý, PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết :
TP.HCM đã ứng dụng tin học vào đăng ký kinh doanh từ năm 2002, và con số giao dịch qua mạng đến nay đạt gần 50%. Tuy nhiên, đăng ký qua mạng mới thực chất là trao đổi thông tin, chỉ tiết kiệm thời gian, giảm phiền phức ở khâu nộp hồ sơ. Sau khi xem qua mạng, thấy đủ tiêu chuẩn, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại phải mời đơn vị đăng ký... mang hồ sơ in trên giấy có dấu đỏ để duyệt. Bởi vì, những văn bản được truyền qua mạng hiện chưa có giá trị pháp lý.
Các đại biểu nhất trí với ý kiến, việc biến văn bản được truyền trên mạng thành văn bản có giá trị pháp lý, để tránh tốn kém, phiền phức là điều cần kíp hiện nay.
Ông Đào Văn Lượng, GĐ Sở Khoa học - Công nghệ cho rằng: Tại một số nước, văn bản có giá trị pháp lý chỉ có chữ ký, không cần dấu. Đây là cách có thể áp dụng tại Việt Nam. Nếu vậy, vấn đề còn lại là giá trị của chữ ký trên mạng.
Về giá trị của chữ ký trên mạng, một đại diện Sở Bưu chính - Viễn thông khẳng định: Ký trên mạng là một cách chống giả mạo chữ ký, vì không thể dùng bút, mà phải biết mật khẩu mới vào được chương trình thực hiện thao tác ký. Vì vậy, luật nên công nhận giá trị của chữ ký trên mạng.
Cũng theo ông Lương Văn Lý, dự thảo luật giao dịch điện tử chưa nêu rõ hình thức tổ chức của tổ chức thực hiện giao dịch điện tử. Theo ông, tổ chức này nên là doanh nghiệp.
Ông Lý còn cho rằng: Luật giao dịch điện tử phải làm rõ về lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bởi vì việc bảo vệ quyền này ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập.
Ông Trần Quang Dũng, GĐ trung tâm tin học TP, góp ý, luật nên giải thích rõ một số thuật ngữ trong giao dịch điện tử để mọi người cùng hiểu.
(Phạm Cường – VietNamNet)