Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể như:
- Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc Đội dân phòng khi có yêu cầu…
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy.
Theo đó, dự thảo luật đã cắt giảm được 27 thủ tục hành chính, từ 37 thủ tục hành chính hiện hành xuống còn 10 thủ tục hành chính.
Đồng thời, được chỉnh lý theo hướng giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực từ 01/7/2025.
LuatVietnam sẽ cập nhật chi tiết thông tin khi có văn bản luật chính thức.