Đã có Nghị quyết 159/2024/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 159/2024/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 vào ngày 13/11/2024.

Cụ thể, tại Nghị quyết 159/2024/QH15, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 với nội dung như sau:

- Số thu ngân sách Nhà nước là 1.966.839 tỷ đồng

- Sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

- Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỷ đồng.

- Mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm:

  • Bội chi ngân sách trung ương là 443.100 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP;

  • Bội chi ngân sách địa phương là 28.400 tỷ đồng, tương đương 0,2% GDP.

- Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 835.965 tỷ đồng.

Như vậy, năm 2025, mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên ở mức 2,34 triệu đồng/tháng như từ ngày 01/7/2024 theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Đã có Nghị quyết 159/2024/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 (Ảnh minh họa)

Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội đã nghị quyết:

- Chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.

- Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết 34/2021/QH15.

- Cho phép từ ngày 01/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế;

Cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.

- Cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục