Cụ thể, Nghị định 17/2025/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 về những nội dung sau:
- Sửa đổi Nghị định 23/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu; Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu
- Sửa đổi Nghị định 115/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất
- Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 3 của Nghị định 95/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 09/2022/NĐ-CP.
Đơn cử, Nghị định 17/2025/NĐ-CP đã bổ sung Điều 2a vào sau Điều 2 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện khoản 5 Điều 3 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài có quy định về đấu thầu khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu, Chính phủ quyết định việc áp dụng quy định về đấu thầu theo trình tự, thủ tục như sau:
- Trước khi đàm phán, cơ quan chủ quản dự án gửi cơ quan chủ trì đàm phán văn bản đề xuất việc áp dụng các nội dung khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu 2023.
- Cơ quan chủ trì đàm phán lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan về đề xuất áp dụng các nội dung khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu cùng với nội dung của điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.
Các cơ quan được lấy ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan chủ trì đàm phán trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và tài liệu liên quan.
- Trước khi ký điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài, cơ quan chủ trì đàm phán trình Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng theo quy định của nhà tài trợ hoặc của tổ chức quốc tế mà Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nghị định 17/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi từ ngày 06/02/2025.