Ngày 25/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 213/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước. Việc sử dụng công sở (nơi làm việc của cơ quan hành chính nhà nước) phải đúng công năng thiết kế, đúng mục đích; không được chiếm dụng hoặc sử dụng công sở vào các mục đích sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho mượn, làm nhà ở...
Theo Quy chế này, một trong những nguyên tắc bố trí sắp xếp nơi làm việc trong công sở là nơi làm việc của các bộ phận chuyên môn phải được bố trí sắp xếp theo dây chuyền hợp lý, đảm bảo thuận tiện trong việc điều hành, phối hợp công tác; phòng làm việc phải đảm bảo đủ diện tích cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị.
Đồng thời, công sở phải có phòng tiếp dân và phòng tiếp khách riêng đủ tiêu chuẩn, phù hợp với yêu cầu công tác của các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Phòng tiếp dân và phòng tiếp khách được bố trí ở vị trí thuận lợi cho việc tiếp đón và quản lý về trật tự, trị an.
Yêu cầu về sử dụng phòng làm việc trong công sở là bên ngoài các phòng làm việc phải có biển ghi tên đơn vị, chức danh cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong phòng; không được sử dụng các thiết bị đun, nấu của cá nhân trong phòng làm việc; không được để các vật liệu nổ, chất dễ cháy trong phòng làm việc; khi nghỉ làm việc từ 3 ngày trở lên, phòng làm việc phải được niêm phong...
Cũng theo Quy chế trên, công sở có diện tích làm việc dưới 70% so với tiêu chuẩn, định mức đã quy định; công sở bị hư hỏng, xuống cấp về chất lượng không đảm bảo an toàn cho các hoạt động của cơ quan; công sở không phù hợp với công năng sử dụng thì được tiến hành cải tạo lại.
Khi xây dựng mới công sở cần tính đến việc xây dựng công sở liên cơ quan theo khối chức năng chuyên môn của cấp tỉnh (các Sở, Ban, ngành) để tạo công trình có quy mô hiện đại, khang trang, tiết kiệm vốn đầu tư và đất xây dựng.
· Luật Việt