(LuatVietnam) Ngày 09/06/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 880/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những định hướng nổi bật tại Quy hoạch này là xây dựng ngành điện tử, công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp chủ lực, tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành phát triển khác; tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành điện tử, công nghệ thông tin giai đoạn đến năm 2020 đạt 17 - 18%; tỷ trọng ngành điện tử, công nghệ thông tin chiếm 9 - 10% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 65 - 70 % nhu cầu thị trường…
Đặc biệt, đến năm 2030, phấn đấu tự cung cấp 80% nhu cầu phần mềm cho cả nước; đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã các thiết bị phần cứng đáp ứng trên 70% nhu cầu trong nước, tăng tỷ trọng thiết bị không dây theo nhu cầu; thiết bị, công nghệ hoàn toàn chuyển sang kỹ thuật số…
Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng chỉ rõ, phát triển ngành dệt may - da giầy theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm; lấy xuất khẩu làm mục tiêu cho phát triển của ngành và đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa; đến năm 2030 tập trung phát triển vùng nguyên liệu bông, vùng chăn nuôi gia súc để chủ động một phần nguyên liệu bông, da cho ngành; tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại quần áo thời trang, giầy cao cấp phục vụ các thị trường đòi hỏi chất lượng cao…
Ngoài ra, Quy hoạch còn đề ra chủ trương từng bước hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện; Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia. Đến năm 2002, phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo theo Quy hoạch phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các nguồn năng lượng (gió, mặt trời, biomass…)…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
- LuậtViệtnam