Theo Nghị định này, công chứng viên phải hành nghề chuyên trách, không được đồng thời hành nghề khác, không được kiêm nhiệm các chức danh tư pháp như luật sư, đấu giá viên, trọng tài viên, thừa phát lại hoặc các chức danh tư pháp khác. Tương tự như quy định trước đây, Nghị định này cũng chỉ rõ: luật sư được bổ nhiệm làm công chứng viên để hành nghề công chứng, thì khi làm thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng hoặc ký hợp đồng làm việc với Văn phòng công chứng phải có xác nhận của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư về việc rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư và giấy tờ chứng minh đã chấm dứt hành nghề luật sư.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các công chứng viên đang hành nghề công chứng phải có nghĩa vụ tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm với thời gian tối thiểu là 03 ngày. Nếu công chứng viên không tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc các biện pháp xử lý khác…
Ngoài ra, Nghị định này khuyến khích thành lập các Văn phòng công chứng bằng việc quy định chỉ thành lập Phòng công chứng trong trường hợp không phát triển được Văn phòng công chứng. Những Văn phòng công chứng ở những địa bàn khó khăn sẽ được UNBD cấp tỉnh tạo điều kiện và hỗ trợ cho việc thành lập và phát triển.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2013; thay thế Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008; bãi bỏ các quy định về tổ chức và hoạt động công chứng tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000…
LuậtViệtnam