Nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay Chính phủ đã nhất trí với nội dung Dự thảo Pháp lệnh đấu thầu mua sắm công do Bộ này soạn thảo và dự kiến đầu năm 2005 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt. Văn bản này được đánh giá là có nhiều giải pháp mới và thiết thực cho cơ chế đấu thầu.
Sau nhiều lần tranh luận, trong dự thảo lần này, các cơ quan soạn thảo đã thống nhất sẽ không quy định giá sàn trong đấu thầu. Giải thích cho cơ chế còn bỏ ngỏ lại này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận định nhằm tránh triệt tiêu động lực cạnh tranh trong đấu thầu và dễ phát sinh tiêu cực.
Chỉ có một quy định "cứng" là các nhà làm luật có thể vẫn sẽ cân nhắc đối với đấu thầu xây lắp với việc quy định giá trúng thầu là giá dự thầu hợp lý và không được thấp hơn giá thành như Luật Xây dựng quy định.
Sẽ không quy định giá sàn trong đấu thầu
Việc quy định giá sàn trong đấu thầu là vấn đề được tranh luận sôi nổi nhất khi xây dựng Pháp lệnh. Tác dụng của nó thì không ai phủ nhận, nhưng thực tế hoạt động thầu Việt Nam lại cho thấy, tình trạng giá trúng thầu thấp có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Để lấp kín "lỗ hổng" này, dự thảo Pháp lệnh đưa ra quy định: trường hợp gói thầu có giá đề nghị trúng thầu thấp dưới 50% so với giá gói thầu được duyệt phải qua thẩm định Nhà nước (sẽ do Chính phủ quy định), trước khi người có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, trách nhiệm của chủ dự án, bên mời thầu, nhà thầu và cả công chức Nhà nước sẽ được quy định rõ trong công tác chuẩn bị đấu thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu cũng như thực hiện hợp đồng theo nguyên tắc tăng cường trách nhiệm của chủ dự án mọi vi phạm đều có đối tượng chịu trách nhiệm.
Đồng thời, Nhà nước có cơ chế bắt buộc khi đánh giá hồ sơ dự thầu phải kiểm tra phân tích các đơn giá quá thấp và bất hợp lý, nếu nhà thầu không giải thích được sẽ bị loại.
Tiến thêm một bước chặt chẽ hơn, dự thảo quy định rõ các trường hợp nhà thầu thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho chủ dự án, gian dối, không trung thực, thông đồng móc ngoặc hoặc cố tình dây dưa thực hiện hợp đồng,... sẽ bị xử phạt từ cảnh cáo, không được tham gia đấu thầu từ 6 tháng đến 3 năm; thậm chí cấm vĩnh viễn, bị phạt tiền tới 500 triệu đồng đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ưu đãi đáng kể cho các doanh nghiệp trong nước
Một điểm cũng hết sức quan trọng trong dự thảo Pháp lệnh là các quy định đều cố gắng hướng tới sự bình đẳng tối đa trong việc tham gia, lựa chọn và phê duyệt các hồ sơ cũng như nhà thầu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
Mọi nhà thầu khi tham gia đấu thầu quốc tế tại Việt Nam có thể sẽ được hưởng một số ưu đãi như nhau nếu đảm nhận giá trị trên 50% phần công việc của gói thầu xây lắp, tư vấn hoặc EPC (toàn bộ các công việc thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) hoặc gói thầu cung cấp hàng hoá có tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước chiếm trên 30% giá xuất xưởng.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện vươn lên và tạo thêm nhiều việc làm trong xã hội, ban soạn thảo Pháp lệnh cũng thống nhất một số nội dung ưu đãi nhà thầu trong nước, không có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có pháp nhân Việt Nam.
Theo đó, lần đầu tiên các nhà thầu hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng các ưu đãi như: được cộng thêm 7,5% điểm tổng hợp khi tham gia gói thầu tuyển chọn tư vấn, được xếp hạng trên các nhà thầu nước ngoài nếu điểm tổng hợp hoặc giá đánh giá ngang nhau.
Chủ trương này cũng vấp phải những kiến nghị cho rằng không nên đặt việc tiếp tục duy trì những nội dung ưu đãi nhà thầu vì theo lịch trình, Việt Nam có thể sẽ gia nhập WTO vào năm 2005, song đa số các chuyên gia vẫn cho rằng cần có những ưu đãi trong phạm vi có thể. Bởi vì điều này không nằm ngoài thông lệ quốc tế cũng như cần thiết để các nhà thầu trong nước sớm cạnh tranh được với nhà thầu nước ngoài trước khi chính thức tham gia đầy đủ các tổ chức quốc tế.
Tất nhiên, những nội dung ưu đãi cần phải được công khai, minh bạch và đặc biệt là có thời hạn nhất định để đảm bảo tránh tình trạng độc quyền có thể nảy sinh ra từ những ưu đãi này.
Tính công khai, minh bạch trong việc đấu thầu các dự án cũng sẽ được thể hiện rõ trong quy định riêng về Hệ thống thông tin trong đấu thầu. Theo dự thảo, mỗi dự án mời thầu, xét thầu đều phải thông suốt ở 3 kênh thông tin: tờ thông tin về đấu thầu, trang web về đấu thầu và hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu. Trước khi tổ chức đấu thầu, chủ dự án phải có trách nhiệm tiến hành thông báo trên các kênh này để thống nhất thông tin đăng tải và tạo thuận lợi tiếp cận cho mọi người dân, còn nhà thầu muốn dự thầu phải có tên đăng ký trong hệ thống dữ liệu về nhà thầu.
Cho đến nay, đội ngũ nhà thầu của Việt Nam đã khá phát triển nhưng chưa có đủ dữ liệu tổng hợp về nhà thầu hiện có tại Việt Nam, đặc biệt là thông tin nhà thầu vi phạm đã bị xử phạt không cho tham dự thầu. Tuy nhiên, lường trước khó khăn về điều kiện đăng tải, Chính phủ sẽ có quy định riêng theo các lộ trình thích hợp.
(Nguyên Quân - VietNam Economy)