Chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần: Áp dụng cơ chế mở!

Nếu không có gì thay đổi, dự kiến đầu tháng 12 này, Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần vừa ký ban hành ngày 16/11/2004 sẽ có hiệu lực.

Với những thay đổi quan trọng về cơ chế, giới chuyên môn kỳ vọng rằng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó sẽ thúc đẩy thật nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH) như "rùa bò" hiện nay.

Vấn đề thay đổi đầu tiên, đó là mở rộng diện CPH theo tinh thần của Nghị quyết TW9. Nếu như Nghị định trước đây chỉ quy định đối tượng doanh nghiệp Nhà nước tiến hành CPH là các doanh nghiệp độc lập và bộ phận doanh nghiệp (nhỏ) thì trong Nghị định mới này, bổ sung thêm diện CPH là các tổng công ty Nhà nước, kể cả Ngân hàng thương mại Nhà nước và các tổ chức tài chính Nhà nước.

Nghị định cũng quy định nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chủ quản như UBND, Tổng công ty trong xử lý những vấn đề tồn đọng của doanh nghiệp.

Xác định giá trị doanh nghiệp qua trung gian

Trong Nghị định mới này, phương thức xác định giá trị doanh nghiệp đã được đổi mới theo hướng tính đúng, chính xác, minh bạch và nhanh chóng. Doanh nghiệp CPH có tổng giá trị tài sản theo sổ kế toán từ 30 tỷ đồng trở lên thì việc xác định giá trị doanh nghiệp CPH thực hiện thông qua các tổ chức có chức năng định giá như: các công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, tổ chức thẩm định giá, ngân hàng đầu tư trong nước và ngoài nước có năng lực định giá.

Trường hợp nếu doanh nghiệp lựa chọn các tổ chức định giá nước ngoài chưa hoạt động tại Việt Nam, phải được sự thỏa thuận của Bộ Tài chính. Với doanh nghiệp CPH có tổng giá trị tài sản theo sổ kế toán dưới 30 tỷ đồng thì không nhất thiết phải thuê tổ chức định giá. Trường hợp không thuê tổ chức định giá thì doanh nghiệp sẽ tự xác định giá trị doanh nghiệp và báo cáo về cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp.

Thay vì chỉ áp dụng một phương pháp duy nhất để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tài sản như trước đây, trong Nghị định 187, đã quy định kết hợp thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp bằng 3 phương pháp cơ bản:

- Phương pháp tài sản ròng, trong đó định giá doanh nghiệp dựa vào việc xác định giá trị các tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp, với sự bổ sung các chuẩn mực trong việc xác định chất lượng tài sản, giá cả tài sản và giá trị lợi thế kinh doanh.

- Phương pháp chiết khấu dòng tiền căn cứ vào khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong quá khứ và trong tương lai để xác định giá trị doanh nghiệp.

- Phương pháp đấu giá bán doanh nghiệp và đấu giá bán cổ phần của doanh nghiệp dựa vào sự tính toán của các nhà đầu tư và quan hệ cung cầu trên thị trường để xác định giá trị đúng của doanh nghiệp.

Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp theo các nguyên tắc trên sẽ được báo cáo về các bộ, UBND các tỉnh, thành phố để thẩm tra, ra quyết định công bố giá trị doanh nghiệp CPH. Các trường hợp giá trị doanh nghiệp được xác định thấp hơn sổ sách từ 500 triệu đồng trở lên thì phải thoả thuận với Bộ trưởng Bộ Tài chính trước khi quyết định.

Cơ chế phù hợp hơn

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những điểm sửa đổi, bổ sung về cơ chế xác định giá trị doanh nghiệp trong Nghị định số 187/2004/NĐ-CP phù hợp hơn yêu cầu mới.

Cụ thể, quy định về xử lý và xác định giá trị tài sản là giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai mới ban hành năm 2003. Đối với diện tích đất doanh nghiệp CPH đang sử dụng làm mặt bằng xây dựng trụ sở, văn phòng giao dịch; xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh; đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối (kể cả đất đã được Nhà nước giao có thu hoặc không thu tiền sử dụng đất) thì doanh nghiệp CPH được quyền lựa chọn thuê đất hoặc giao đất theo quy định của Luật Đất đai.

Trường hợp doanh nghiệp CPH lựa chọn thuê đất thì không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp CPH thực hiện hình thức giao đất thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp CPH. Giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp CPH là giá do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường và công bố vào ngày 01 tháng 01 hàng năm theo quy định của Chính phủ.

Đối với diện tích đất Nhà nước đã giao cho doanh nghiệp để xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp CPH. Giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp CPH thực hiện theo quy định đối với trường hợp doanh nghiệp CPH thực hiện hình thức giao đất.

Công khai để chống khép kín

Đối với cơ chế bán cổ phần, Nghị định 187 quy định rõ đối tượng mua cổ phần lần đầu ưu đãi được mở rộng ra cho cả nhà đầu tư chiến lược, những người sản xuất và thường xuyên cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp, người cam kết tiêu thụ lâu dài sản phẩm của doanh nghiệp, với quy định không quá 20% vốn điều lệ (bao gồm cả cổ phần mua thêm ngoài cổ phần ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược và người lao động trong doanh nghiệp).

Phương thức bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo hình thức đấu giá và người lao động được mua ưu đãi với giá ưu đãi xác định trên giá đấu giá. Giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp được giảm 40% so với giá đấu bình quân. Giá bán cổ phần ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược được giảm 20% so với giá đấu bình quân.

Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm quyết định CPH được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm làm việc thực tế. Họ cũng sẽ được hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội nếu chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần đồng thời được hưởng chế độ hưu trí tại thời điểm CPH và các quyền lợi khác. Trường hợp bị mất việc, thôi việc tại thời điểm CPH, người lao động sẽ được thanh toán trợ cấp mất việc, thôi việc theo quy định của pháp luật.

 

(Lan Hương - VietNam Economy)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục