Chủ rừng được tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng

Chủ rừng được tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, cho thuê môi trường rừng hoặc sử dụng quyền sử dụng đất và giá trị kinh tế của tài nguyên đa dạng sinh học và cảnh quan rừng để liên doanh, liên kết với các chủ đầu tư khác, các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái tại khu rừng đặc dụng. Việc tổ chức du lịch sinh thái tại khu rừng đặc dụng phải được lập thành Dự án đầu tư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.


Đó là một trong những nội dung được nêu rõ tại Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14/8.


Nghị định gồm 5 chương, 43 Điều quy định về việc tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, bao gồm diện tích có rừng và diện tích không có rừng đã được Nhà nước giao, cho thuê hoặc quy hoạch cho lâm nghiệp.


Đối với rừng đặc dụng, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nghiêm cấm các hoạt động làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã hoặc loài bảo tồn; mang hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng, đốt lửa trong rừng và ven rừng; gây ô nhiễm môi trường; thả và nuôi, trồng các loài động vật, thực vật đưa từ nơi khác tới mà trước đây các loài này không có trong khu rừng đặc dụng. Trong trường hợp đặc biệt phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.


Ban quản lý rừng đặc dụng được sử dụng quỹ lương của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hoặc tiền công bảo vệ rừng mà Nhà nước quy định trong các dự án được duyệt để khoán việc bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn ở địa phương.

 

Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn phải được xây dựng thành khu rừng tập trung, liền vùng; từng bước tạo rừng có cấu trúc hỗn loài, khác tuổi, nhiều tầng; cây rừng là những loài cây có bộ rễ sâu, bám chắc. Đồng thời, được trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu trong rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển nhưng không được làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng. Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được sử dụng không quá 40% diện tích đất không có rừng trên đất rừng ngập mặn hoặc không quá 30% diện tích không có rừng đối với khu vực phòng hộ đầu nguồn, chắn gió, chắn cát bay để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp.

 

Việc khai thác lâm sản phải bảo đảm nguyên tắc quản lý rừng bền vững; rừng đạt tiêu chuẩn được phép khai thác chính; cây rừng được khai thác phải đạt tiêu chuẩn về cấp đường kính đối với gỗ và tuổi cây đối với tre, nứa; lượng khai thác phải nhỏ hơn lượng tăng trưởng của rừng; trong quá tình khai thác không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và khả năng phòng hộ của rừng.

(Theo Website Chính phủ)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục