Chống tham nhũng nóng bỏng tại Quốc hội

Đấu tranh chống tham nhũng chắc chắn sẽ là một chủ đề sôi nổi của QH trong kỳ họp này... Sự nghiêm minh đối với bộ máy công quyền là chuyện muôn đời, còn bây giờ đã là nóng bỏng.

Ngày 26/10, QH tiếp tục nghe các báo cáo mà mở đầu là: "Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân" của lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc. Lúc đầu cứ băn khoăn về cái đầu đề "cử tri và nhân dân" khác nhau như thế nào. Có người phân tích rằng nhân dân rộng hơn cử tri vì bao gồm cả trẻ em (chưa đến tuổi làm cử tri) và người Việt ta ở nước ngoài, còn giữ quốc tịch hay không còn... vẫn là nhân dân ta cả.

Một liệt kê rất phong phú và chắc chắn không thể nào đầy đủ những nguyện vọng của nhân dân được chia thành nhiều khoản mục theo đúng một công thức, một phần nói về sự thoả mãn của dân chúng đối với những gì Chính phủ đã làm được và 5,6 phần (theo lượng chữ) nêu những bức xúc, tức là điều chưa thoả mãn của dân. Tuy nhiên nội dung không khác những năm trước khi liệt kê các hiện tượng, sự việc. Duy có điều năm nay dành riêng một mục (xếp hạng thứ 3 trên 10 mục) là "Về đấu tranh chống tham nhũng".

Cử tri và nhân dân hoan nghênh Quốc hội, Chính phủ, Toà án, Viện Kiểm sát vừa qua tập trung kiểm tra, giám sát, điều tra, xét xử một số vụ án tham nhũng và đang tiếp tục xem xét một số vụ tiêu cực ở các Tổng công ty Dầu khí, Thuỷ sản, việc cấp quota ở Bộ Thương mại... để rồi báo cáo đưa ra một nhận xét "tệ tham nhũng chưa được đẩy lùi ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, vụ trước xử chưa xong lại phát hiện vụ sau nghiêm trọng hơn". Do vậy mà "nhân dân và cử tri" "kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Chống tham nhũng và thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng...". (Hơi buồn cho anh em báo chí không thấy được Mặt trận điểm tên trong trận chiến này).

Vấn đề này, mấy hôm nay báo chí đã nêu (gần như đồng loạt), nhưng ngày hôm nay, báo chí đăng trả lời phỏng vấn của ông Chủ tịch MTTQVN lại cho rằng "Tôi không phản đối lập cơ quan chuyên trách, nhưng tôi nghĩ cần phải dựa vào bộ máy hiện nay. Giả sử bộ máy hiện có của chúng ta hư hỏng cả thì mới phải sợ". Đương nhiên làm sao lại đến mức "hư hỏng cả", nhưng chợt nhớ đến phát biểu của Thủ tướng chỉ ít ngày trước đó, trong dịp tiếp xúc với doanh nhân ông phàn nàn về tình trạng hư hỏng của cán bộ... Đương nhiên là phải chờ đợi, không phải để đến lúc hỏng hẳn mới ra tay, mà làm sao để cái đang có làm tốt hơn. Nhưng biết đến bao giờ... Chắc chắn đây sẽ là một chủ đề sôi nổi của QH trong kỳ họp này.

Ngay buổi chiều, trong phiên thảo luận tổ, một vị Phó Thủ tướng cũng nêu vấn đề này và đặt câu hỏi, không phải chúng ta chưa từng có (và nhắc lại cái con số một thời gây hy vọng: 228 – là con số thứ tự của một văn bản nhà nước chỉ đạo chống tham nhũng rồi trở thành một phiên hiệu cho một tổ chức liên ngành chuyên trách vấn đề này), nhưng nếu cần thành lập một tổ chức mới, để có đủ hiệu lực thì nó đặt ở đâu và ai là người điều hành? Và nhiều ý kiến đều có chung nhận xét là hệ thống thanh tra của chúng ta cho dù đã có từ trên xuống tận cơ sở nhưng chỉ có thể thực hiện những gì thủ trưởng giao thì làm sao chống tham nhũng được?

Nhớ lại, mới thấy Cụ Hồ tài. Mới thành lập Nhà nước, Cụ đã tiên liệu rằng bên cạnh tinh thần cách mạng của những người được dân giao phó cho quyền hành, cơ chế sẽ dễ nẩy sinh thói lộng hành. Không đấu tranh ngăn chặn cái xấu thì sẽ làm hỏng cái tốt. Do vậy Cụ cũng chính là người đầu tiên cảnh báo tệ quan liêu. Học trò của Cụ là ông Tổng bí thư Trường Chinh còn viết xã luận trên báo Đảng tuyên chiến "hãy hạ bệ các quan cách mạng". Trả lời báo chí, Cụ coi đám người hư hỏng ấy là "nội xâm" . Và Cụ ra tay, ký sắc lệnh thành lập Thanh tra đặc biệt và Toà án đặc biệt.

Ngày 22/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 63 về việc tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp, thì ngày hôm sau, 23/11, Cụ ký sắc  lệnh 64 về việc lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt có nhiệm vụ giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các uỷ ban hay các cơ quan của Chính phủ. Sắc lênh quy định quyền hạn của Ban Thanh tra này được phép bắt giữ mọi công chức - quan chức nếu có bằng cứ. Đồng thời thiết lập tại Thủ đô một Toà án đặc biệt để xử những nhân viên các uỷ ban nhân dân hay các cơ quan của chính phủ do Ban Thanh tra đặc biệt truy tố. Toà án đặc biệt sẽ do Chủ tịch nước ngồi ghế chánh án và 2 vị hội thẩm sẽ là các bộ trưởng Bộ nội vụ và Tư pháp...Còn với Ban Thanh tra đặc biệt, Cụ Chủ tịch mời cụ Bùi Bằng Đoàn, cựu Thượng thư Bộ Hình của chế độ cũ là người có uy tín lại am hiểu pháp luật làm trưởng ban và nhà thơ - Bộ truởng Bộ Canh nông Cù Huy Cận là "người trẻ tuổi lại có danh tiếng" làm phó...

Sau này khi được hỏi về công việc của những tổ chức này, Nhà thơ Huy Cận nói rằng tuy nó chưa phát huy được nhiều do tình hình chính trị lúc đó quá phức tạp rồi sau đó là chiến tranh nhưng chủ trương của Cụ Chủ tịch nước là rất kiên định đối với việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, bằng chứng là ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp Cụ đã có những quyết định rất kiên quyết, mặc dù phải làm điều đó Cụ rất đau lòng. Ví như vụ Đại tá Trần Dụ Châu, vốn là một sĩ quan nhiều năng lực và có nhiều đóng góp trước khi sa vào vũng bùn của sự thoái hoá biến chất đã bị kết án tử hình...

Đương nhiên đấy là chuyện "xưa", nay thời thế có nhiều đổi khác nhưng sự nghiêm minh đối với bộ máy công quyền lại là chuyện muôn đời, còn bây giờ đã là nóng bỏng... Cũng cần nói thêm về những báo cáo của các cơ quan tư pháp với những số liệu về các tội ác, tệ nạn... những bóng đen phủ lên xã hội mà cuộc đấu tranh để xoá bớt bóng đen không chỉ trông chờ vào sự trừng phạt mà quan trọng hơn chính là những ánh sáng tốt lành của cuộc sống mà chúng ta phải dốc sức xây đắp.

  • Dương Trung Quốc (VietNamNet)

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục