Trong đó, việc mang thai hộ phải vì mục đích nhân đạo, được thực hiện bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai; đặc biệt, người được nhờ mang thai hộ chỉ được mang thai hộ 01 lần và phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; ở độ tuổi phù hợp, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý và đã từng sinh con. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Người mang thai hộ được hưởng chế độ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, người mẹ nhờ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung các đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn. Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả 02 vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 01/01/2015, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.
- LuậtViệtnam