Chính sách thuế với hàng hóa cho, biếu, tặng

Cục Thuế tỉnh An Giang đã có Công văn hướng dẫn về chính sách thuế đối với hàng hóa cho, biếu, tặng.

Công văn 3593/CTAGI-TTHT của Cục Thuế tỉnh An Giang về chính sách thuế đối với hàng hóa cho, biếu, tặng như sau:

Về chi phí được trừ và việc lập hóa đơn đối với hàng hóa biếu tặng

Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:

- Tại khoản 1 Điều 4 quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ:

“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này”.

- Tại khoản 1 Điều 9 quy định về thời điểm xuất hóa đơn:

“1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.

Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC:

- Tại khoản 1 Điều 8 quy định thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng (GTGT):

“Điều 8. Thời điểm xác định thuế GTGT

1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.

- Tại Điều 15 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC) quy định:

“Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

5. Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới hai mươi triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Nhà cung cấp là người nộp thuế có mã số thuế, trực tiếp khai và nộp thuế GTGT”.

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC; trong đó, quy định điều kiện khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt”.

Chính sách thuế với hàng hóa cho, biếu, tặng (Ảnh minh họa)

Về việc xử phạt hành vi vi phạm

Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; trong đó, quy định xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế:

“1. Các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp bao gồm:

a) Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế;

b) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện khai thiếu số tiền thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp tăng thêm kể từ ngày kế tiếp ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót hoặc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;

2. Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp được quy định như sau:

a) Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;

b) Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước”.

Căn cứ Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:

- Tại khoản 1 Điều 16 quy định xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn:

“Điều 16. Xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn

1. Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ hợp pháp;

b) Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng người nộp thuế đã tự giác kê khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế kết thúc thời hạn thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;

c) Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản thanh tra, kiểm tra thuế, biên bản vi phạm hành chính xác định là hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế vi phạm hành chính lần đầu về hành vi trốn thuế, đã khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và cơ quan thuế đã lập biên bản ghi nhận để xác định là hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế”.

- Tại khoản 2, khoản 4 Điều 24 quy định xử phạt hành vi vi phạm về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ:

“2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 Điều này”.

Căn cứ các quy định nêu trên thì:

- Trường hợp Công ty có phát sinh biếu tặng hàng hóa cho khách hàng (không phải là hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ dùng để khuyến mại có giá tính thuế bằng không (=0) theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT- BTC và theo pháp luật về Thương mại) thì:

  • Người bán (biếu tặng) thực hiện lập hóa đơn GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP;

  • Thực hiện kê khai thuế GTGT theo quy định pháp luật về thuế.

Hóa đơn GTGT được lập phải có đầy đủ thông tin về giá, thuế suất và tiền thuế như khi bán hàng cho khách hàng theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và thực hiện kê khai thuế GTGT phát sinh theo quy định.

Thời điểm xuất hóa đơn biếu tặng để xác định thuế GTGT là thời điểm Công ty chuyển quyền sở hữu quà tặng cho khách hàng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và khoản 1 Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.

- Khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ dùng để làm quà biếu, tặng cho khách hàng là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty; có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp; có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (đối với hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ trong cùng một (01) ngày có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên) là chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC.

- Trường hợp Công ty không lập hóa đơn cho hàng hóa làm quà tặng hoặc lập hóa đơn không đúng thời điểm chuyển quyền sở hữu quà tặng dẫn đến chậm kê khai thuế GTGT hàng bán ra (cho tặng) thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn theo quy định tại Điều 16, Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Để cập nhật nhanh nhất các văn bản pháp luật về thuế - kế toán, mời bạn đọc tham gia Group Zalo VBPL - Thuế, Kế toán của LuatVietnam và nhận thông báo hằng ngày.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục