Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực hôm nay (15/01/2020)

Hôm nay, chính thức bãi bỏ các quy định về cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C. Đồng thời, cũng cho phép người dân được quay phim cảnh sát giao thông làm nhiều vụ, và nhiều quy định đáng chú ý khác...

1/ Bỏ quy định về cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C

Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo đó, các quy định về kiểm tra, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008 sẽ chính thức bị bãi bỏ kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Lúc này, những quy định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh; hồ sơ, thủ tục đăng ký dự kiểm tra; nội dung kiểm tra, thời lượng, yêu cầu của đề kiểm tra; điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ cũng như xếp loại kết quả kiểm tra… nêu tại Quyết định 30 sẽ không còn được áp dụng.

Đáng chú ý: Những chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo Quyết định này vẫn có giá trị sử dụng…

Xem thêm: “Xóa sổ” chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C, còn chứng chỉ nào được công nhận?

2/ Người dân được quay phim cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ

Thông tư 67/2019/TT-BCA do Bộ Công an ban hành quy định về việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Theo đó, Điều 11 Thông tư này đã bổ sung thêm trường hợp người dân được giám sát Công an nhân dân thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nếu đáp ứng được 03 điều kiện:

- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;

- Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

- Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan…

Xem thêm

3/ “Siết” hồ sơ yêu cầu chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT quy định Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông...

Theo đó, trước đây, tại Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT, những loại giấy tờ như quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, chứng minh nhân dân … có thể là bản sao không có chứng thực, bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính.

Mà nay, Thông tư 21 yêu cầu các giấy tờ nêu trên bắt buộc phải là bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính. Việc chỉ dùng bản sao không có chứng thực đã bị bãi bỏ…

Xem thêm: Thêm trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ văn bằng

Chính sách mới có hiệu lực ngày 15/01/2020
Chính sách mới có hiệu lực ngày 15/01/2020 (Ảnh minh họa)

4/ Điều kiện để quỹ từ thiện được hoạt động

Về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2019/NĐ-CP.

Theo đó, quỹ từ thiện đi vào hoạt động phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại Điều 24 của Nghị định này như: Có giấy phép thành lập và công nhận điều lệ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp; Đã công bố về việc thành lập quỹ…

Xem thêm: Quỹ từ thiện phải công bố công khai các khoản đóng góp

5/ Thêm trường hợp được xem xét miễn trừ phòng vệ thương mại

Thông tư số 37/2019/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo đó, so với quy định trước đây tại Thông tư 06/2018/TT-BCT, hiện nay có 06 loại hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thể được xem xét miễn trừ.

Như vậy, Thông tư này đã bổ sung thêm 01 trường hợp được xem xét miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại là hàng hóa nhập khẩu để nghiên cứu và phục vụ mục đích phi thương mại…

6/ Ngân hàng thương mại phải có vốn pháp định 3.000 tỷ đồng

Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Nghị định 86/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành về mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, tại Điều 2 của Nghị định này nêu rõ mức vốn pháp định của một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể:

- Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng;

- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu USD;

- Công ty tài chính: 500 tỷ đồng…

Xem thêm

vốn pháp định của ngân hàng thương mại đến 3000 tỷ đồng
Yêu cầu mới về mức vốn pháp định khi thành lập ngân hàng (Ảnh minh họa)

7/ Quản lý công ty Nhà nước giữ chức vụ trong thời hạn 5 năm

Bộ Quốc Phòng vừa ban hành Thông tư 178/2019/TT-BQP với nội dung nổi bật là quy định về thời hạn giữ chức vụ của người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn điều lệ. Cụ thể:

- Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ của người quản lý là 05 năm;

- Nếu người quản lý được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương thì thời hạn này được tính từ ngày quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới có hiệu lực…

8/ Trang trại nuôi lợn phải cách khu dân cư tối thiểu 100m

Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn một số điều về hoạt động chăn nuôi.

Theo đó, Điều 5 Thông tư này nêu rõ, khoảng cách tối thiểu từ trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ đến:

- Khu dân cư, khu tập trung chất thải sinh hoạt, công nghiệp: Tối thiểu là 100 mét;

- Trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư: Tối thiểu 150 mét…

Xem thêm

9/ Giấy phép mua bán giống vật nuôi cấp trước 15/01/2020 vẫn được sử dụng

Nội dung này được nêu tại Thông tư 22/2019/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi.

Đáng chú ý, giấy phép liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu giống và sản phẩm giống vật nuôi đã cấp trước 15/01/2020 vẫn được tiếp tục thực hiện hết thời gian hiệu lực của giấy phép...

2 Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi có hiệu lực hôm nay
2 Thông tư mới hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi (Ảnh minh họa)

10/ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bãi bỏ 9 văn bản quy phạm pháp luật

Mới đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư 12/2019/TT-BVHTTDL về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, Thông tư này bãi bỏ 09 văn bản quy phạm pháp luật như:

- Quyết định số 1079-VHTT-TT/QĐ về Quy chế tổ chức quản lý và hoạt động ngành in;

- Thông tư liên tịch số 06/1997/TTLT-BVHTT-TCBĐ hướng dẫn quản lý Nhà nước với các đài phát thanh, truyền hình;

- Chỉ thị số 05/1998/CT-BVHTT về biện pháp tăng cường quản lý hoạt động in…

11/ Phải đăng ký bản công bố hợp quy tại Sở Công Thương

Quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa mới được Bộ Công Thương ban hành tại Thông tư 36/2019/TT-BCT.

Theo đó, công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Công Thương ban hành là hoạt động bắt buộc và dựa trên các biện pháp:

- Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;

- Khi công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phải đăng ký bản công bố hợp quy tại Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu…

12/ Thêm 2 phương tiện thực hiện Hiệp định Việt Nam - Campuchia

Đây là nội dung được bổ sung tại Thông tư 47/2019/TT-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ hoàng gia Campuchia.

Theo đó, bổ sung thêm 02 phương tiện phi thương mại là ô tô chở người không quá 09 chỗ (kể cả người lái xe) và ô tô chở hàng hóa không thu tiền gồm:

- Phương tiện cá nhân;

- Phương tiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp/hợp tác xã đó và không tham gia vận chuyển người và/hoặc hàng hóa có thu tiền…

Những chính sách này đều có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.

>> Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 01/2020

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục