Từ hôm nay (ngày 01/9), giáo viên được nghỉ hè theo quy định mới

Ngày 01/9/2020 là ngày chính thức áp dụng quy định mới về nghỉ hè của giáo viên. Đồng thời, nhiều chính sách nổi bật khác cũng có hiệu lực như: tăng mức phạt với các vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực hôn nhân gia đình, bổ trợ tư pháp...


Quy định mới về thời gian nghỉ hè của giáo viên

Ngày 17/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2020/Đ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Cụ thể, thời gian nghỉ hè của nhà giáo gồm cả nghỉ phép hằng năm được Nghị định này quy định như sau:

- Giáo viên mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt: 08 tuần;

- Giáo viên trung cấp, giảng viên cao đẳng: 06 tuần;

- Giảng viên đại học: Thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Đặc biệt, nếu có trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc cấp bách, giáo viên mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trung cấp và trường cao đẳng sẽ được nghỉ hè theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài thời gian nêu trên, giáo viên, giảng viên được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động…


Tăng mức phạt với người có hành vi ngoại tình

Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Riêng lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đặc biệt là hành vi “ngoại tình”, Nghị định 82 nêu rõ, sẽ phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng gồm:

- Đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người khác; chưa có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ dang có chồng hoặc vợ;

- Đang có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

- Chưa có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ đang có chồng hoặc vợ…

Mức phạt này đã tăng mạnh so với quy định tại Nghị định 110/2013/NĐ-CP (mức phạt đang áp dụng là 01 - 03 triệu đồng).

Xem thêm: Tổng hợp mức phạt các vi phạm lĩnh vực hôn nhân gia đình từ 01/9

Chính sách mới có hiệu lực 01/9/2020
Chính sách mới có hiệu lực 01/9/2020 (Ảnh minh họa)

Chỉ cần công bố thông tin phát hành trái phiếu trước 3 ngày

Quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 81 năm 2020 ngày 09/7/2020.

Một trong những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý tại Nghị định 81 là giảm thời gian công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Cụ thể:

- Tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin trước đợt phát hành cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán (hiện đang là 10 ngày);

- Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho nhiều đợt phát hành, với đợt phát hành sau, tối thiểu 03 ngày làm việc trước đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp bổ sung tài liệu để gửi cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu đồng thời gửi Sở Giao dịch Chứng khoán (hiện đang là 10 ngày)…


Hướng dẫn mới về tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh

Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 79/2020/TT-BCA ngày 14/7/2020 hướng dẫn thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh.

Theo đó, việc tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh được hướng dẫn cụ thể như sau:

- Hình thức trao đổi: Trực tiếp, qua đường công văn, chuyển phát nhanh, phải thực hiện quy định về bảo mật thông tin, tài liệu;

- Hồ sơ đề nghị ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh: Văn bản đề nghị Mẫu M03, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền và các tài liệu khác có liên quan…

Xem thêm: Biểu mẫu mới về tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh

Toàn bộ những văn bản này có hiệu lực từ ngày 01/9/2020.

>> Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 9/2020

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục