Hôm nay, Nghị định quan trọng về bảo hiểm có hiệu lực

Ngày 15/9/2020 là ngày chính thức có hiệu lực của Nghị định quan trọng về bảo hiểm. Đồng thời, đây cũng là thời điểm có hiệu lực của các quy định về đăng ký hộ tịch trực tuyến, hoạt động trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.


1/ Bị tai nạn lao động được hỗ trợ chuyển đổi nghề đến 22,35 triệu đồng

Nội dung đáng chú ý này được Chính phủ quy định tại Nghị định số 88 năm 2020 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Theo đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động… thì được hỗ trợ không quá 15 lần mức lương cơ sở.

Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38 năm 2019. Do đó, nếu người lao động bị tai nạn lao động có thể được hỗ trợ đến 22,35 triệu đồng.

Đặc biệt, người lao động được hỗ trợ tối đa 02 lần và trong một năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Xem thêm: 4 điểm mới về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghiệp NLĐ cần biết từ 15/9


2/ Chỉ được nhận kết quả đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký hộ tịch

Ngày 28/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Theo đó, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch được nhận kết quả đăng ký hộ tịch theo 04 phương thức sau đây:

- Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi qua thư điện tử, Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đó;

- Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi vào thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin;

- Nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch thông qua hệ thống bưu chính. Khi đó, phải ghi rõ địa chỉ nhận kết quả, lựa chọn hình thức dịch vụ bưu chính chuyển phát có bảo đảm và phải trả phí dịch vụ cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính khi nhận kết quả.

- Nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch, chỉ áp dụng với các thủ tục: Khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử do người yêu cầu phải có mặt tại cơ quan đăng ký hộ tịch để ký vào Sổ hộ tịch và nhận kết quả.

Khi đến nhận kết quả tại cơ quan đăng ký hộ tịch, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch phải nộp, xuất trình các giấy tờ, tài liệu là thành phần hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định pháp luật hộ tịch.

Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký khai sinh, kết hôn trực tuyến từ ngày 15/9/2020


Chính sách mới có hiệu lực 15/9/2020 (Ảnh minh họa)

3/ Trạm thu phí hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong năm

Hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được Bộ Giao thông Vận tải ban hành tại Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT ngày 22/7/2020.

Điều 7 Thông tư này quy định, trạm thu phí hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm kể cả ngày nghỉ và ngày lễ trừ những trường hợp dừng thu, tạm dừng thu khi có văn bản của cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, khi bắt đầu tổ chức thu phải thông báo công khai liên tục trước 05 ngày và niêm yết công khai tại trạm thu phí về thời điểm bắt đầu được thu, địa điểm trạm thu phí, phương thức thu, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn, giảm tiền dịch vụ sử dụng đường bộ…

Nếu có thay đổi mức thu, đối tượng thu… thì đơn vị thu cũng phải thông báo công khai và niêm yết tương tự như khi bắt đầu tổ chức thu trước 30 ngày.

Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử (biển VMS) được gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu phí gồm: Tên dự án, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh…

Xem thêm: 6 trường hợp trạm thu phí bị tạm dừng thu

Tất cả những chính sách mới này đều có hiệu lực từ ngày hôm nay, ngày 15/9/2020.

>> Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 9/2020

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục