Hàng loạt quy định về giáo dục mầm non có hiệu lực hôm nay

Từ hôm nay, ngày 31/3/2021, nhiều quy định mới liên quan đến cấp mầm non như chương trình giáo dục mầm non, điều lệ trường mầm non… sẽ chính thức được áp dụng.


Cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh 35 tuần/năm

Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.

Chương trình này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và khả năng của trẻ với việc làm quen tiếng Anh trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện.

Trong đó, việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 02 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động khoảng từ 25 - 35 phút.

Đồng thời, tùy vào từng điều kiện, hoạt động làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được tổ chức linh hoạt vào thời điểm khác nhau, phù hợp với khả năng của trẻ và điều kiện của nhà trường để đạt được mụ tiêu của việc làm quen với tiếng Anh cũng như mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non.


Thực hiện đánh giá sức khỏe trẻ em tối thiểu 1 lần/năm học

Nội dung này được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tại Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành Điều lệ Trường mầm non.

Theo đó, khoản 1 Điều 20 Thông tư này nêu rõ:

Kiểm tra sức khỏe trẻ em: tối thiểu một lần trong một năm học.

Hiện nay, khoản 1 Điều 26 Quyết định 14/2008/QĐ-BGDĐT lại quy định, trẻ em được kiểm tra sức khỏe định kỳ 02 lần/năm học.

Ngoài ra, theo quy định mới, trẻ em còn được đánh giá tình trạng dinh dưỡng trên các biểu đồ tăng trưởng theo quy định:

- Mỗi tháng 01 lần đối với trẻ em dưới 24 tháng;

- Ba tháng 01 lần đối với trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên.

Không chỉ vậy, về tuổi và sức khỏe của trẻ em mầm non, vẫn như quy định trước đây, trẻ em từ 03 tháng tuổi - 06 tuổi được nhận vào trường mầm non. Tuy nhiên, trẻ em khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 03 tuổi.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 42 Quyết định 14 hiện đang quy định như sau:

Không tiếp nhận trẻ em đang mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh bẩm sinh nguy hiểm vào học trong các cơ sở giáo dục mầm non

Chính sách mới có hiệu lực 31/3/2021

Chính sách mới có hiệu lực 31/3/2021 (Ảnh minh họa)

Cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ số

Nột số nội dung của Chương trình Giáo dục mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT.

Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non có thể lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục như cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ số và những nội dung giáo dục khác phù hợp với mục tiêu của Chương trình, bảo đảm khoa học, thiết thực, hiệu quả, phù hợp.

Chương trình này được thiết kế cho 35 tuần, mỗi tuần làm việc 05 ngày, áp dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non. Đặc biệt, kế hoạch chăm sóc, giáo dục hằng ngày thực hiện theo chế độ sinh hoạt cho từng độ tuổi phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện cơ sở giáo dục mầm non.


5 quy trình biên soạn chương trình giáo dục mầm non

Tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục mầm non; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục mầm non được nêu tại Thông tư 49/2020/TT-BGDĐT.

Theo đó, 05 quy trình biên soạn chương trình giáo dục mầm non bao gồm:

- Đánh giá chương trình giáo dục mầm non hiện hành;

- Định hướng, biên soạn chương trình giáo dục mầm non;

- Biên soạn dự thảo chương trình giáo dục mầm non;

- Thử nghiệm và điều chỉnh chương trình giáo dục mầm non;

- Thẩm định và ban hành chương trình giáo dục mầm non.

Lưu ý: Quy trình chỉnh sửa chương trình giáo dục mầm non thực hiện như quy trình xây dựng chương trình giáo dục mầm non, trừ quy định về thử nghiệm chương trình.

Các chính sách này có hiệu lực từ ngày 31/3/2021.

>> Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 4/2021

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục