1/ Phạm nhân được ăn cơm cùng người nhà trong trại giam
Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 182/2019/TT-BQP quy định về việc gặp thân nhân, nhận và gửi thư, nhận quà và liên lạc với thân nhân bằng điện thoại.
Theo đó, phạm nhân chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động… thì được kéo dài thời gian thăm gặp nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ, chồng trong phòng riêng không quá 24 giờ.
Đặc biệt: Nếu có ít nhất 04 tháng liền kề với thời điểm xét duyệt xếp loại hoặc do yêu cầu của công tác giáo dục, cải tạo, phạm nhân cần sự tác động của người nhà thì có thể được xem xét ăn cơm cùng thân nhân tại nhà thăm gặp trong thời gian không quá 60 phút.
Lưu ý rằng, phạm nhân được phép gặp thân nhân vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, Tết…
2/ 11 loại vật cấm đưa vào nơi chấp hành án phạt tù
Nội dung này được Bộ Quốc phòng nêu tại Thông tư 184/2019/TT-BQP quy định đồ vật cấm và việc thu giữ, xử lý những loại đồ vật này.
Theo đó, Điều 4 Thông tư liệt kê 11 loại đồ vật bị cấm đưa vào cơ sở giam giữ gồm:
- Các loại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ như: Các loại súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, thuốc nổ…
- Công cụ hỗ trợ gồm: Các loại súng bắn đạn nhựa, lựu đạn khói, dùi cui điện, khóa số 8, áo giáp, găng tay điện…
- Các chất ma túy, chất hướng thần, chất gây mê, chất độc, độc dược…
Chính sách mới có hiệu lực 22/01/2020 (Ảnh minh họa)
3/ 3 trường hợp người chấp hành án được thay đổi nơi làm việc
Đây là nội dung đáng chú ý được Bộ Quốc phòng ban hành tại Thông tư 181/2019/TT-BQP.
Theo đó, Thông tư này quy định 03 trường hợp người chấp hành án được xem xét, giải quyết thay đổi nơi làm việc:
- Đơn vị của người chấp hành án đang làm việc bị giải thể hoặc tổ chức lại;
- Theo đề nghị của người chấp hành án và được sự đồng ý của đơn vị Quân đội từ cấp sư đoàn trở lên nơi xin đến làm việc;
- Thay đổi nơi làm việc theo quyết định của cấp có thẩm quyền…
4/ Cử nhân Luật có thể làm cán bộ thi hành án hình sự
Quy định về tổ chức bộ máy cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự trong Quân đội được Bộ Quốc phòng nêu tại Thông tư 183/2019/TT-BQP.
Theo đó, để trở thành cán bộ thi hành án hình sự, Bộ Quốc phòng yêu cầu 03 tiêu chuẩn nêu tại Điều 7 của Thông tư này gồm:
- Là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Tốt nghiệp một trong các học viện: Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân hoặc Đại học Luật;
- Được bồi dưỡng kiến thức chính trị, quân sự theo quy định, có kinh nghiệm thực tiễn về công tác giam giữ và thi hành án hình sự…
4 Thông tư này đều có hiệu lực ngày 22/01/2020.
>> Luật Thi hành án hình sự 2019: Bổ sung nhiều quyền cho phạm nhân
Nguyễn Hương