Giáo viên tiểu học được dùng điện thoại trong giờ học
Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Điều 31 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020.
Cụ thể, giáo viên tiểu học cần chú ý về hành vi ứng xử, trang phục như sau:
- Không xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức.
- Không gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh.
- Không ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất.
- Không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tuỳ tiện cắt xén nội dung giáo dục.
- Không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người khác; không hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.
Như vậy, so với Điều lệ Trường tiểu học nêu tại Thông tư 41/2010, từ ngày 20/10/2020, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp…
Xem thêm: Tổng hợp 6 quyền lợi của giáo viên tiểu học theo Thông tư 28
Giáo viên tiểu học được chấm 0 điểm bài kiểm tra
Quy định đánh giá học sinh tiểu học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT.
Theo đó, tại điểm d khoản 1 Điều 7 Quy định đánh giá học sinh tiểu học, bài kiểm tra của học sinh tiểu học được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.
Trong khi trước đây, theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT, bài kiể tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.
Như vậy, có thể thấy, theo quy định này, học sinh lớp 1 có thể bị giáo viên cho điểm 0 bài kiểm tra định kỳ.
Chính sách mới có hiệu lực 20/10/2020 (Ảnh minh họa)
Nhiều dịch vụ hàng không được miễn phí đến hết 30/9/2020
Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 19/2020/TT-BGTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 01/3/2020 đến hết ngày 30/9/2020.
Cụ thể, một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được áp dụng khung giá tối thiểu là 0 đồng gồm:
- Dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách;
- Dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay;
- Dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách;
- Dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa…
Sửa quy định về giờ cao điểm tại TP. Hà Nội
Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND là nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Hà Nội.
Một trong những quy định nổi bật là sửa đổi về giờ cao điểm. Trước đây, tại Quyết định 06/2013/QĐ-UBND, giờ cao điểm được quy định là sáng từ 6h00 đến 9h00, chiều từ 16h30 đến 19h30 hàng ngày.
Tuy nhiên, tại Quyết định 24 này, giờ cao điểm được sửa thành “Sáng từ 6h00’ đến 9h00’, chiều từ 16h00’ đến 19h30’ hàng ngày”.
Như vậy, giờ cao điểm buổi chiều ở TP. Hà Nội từ ngày 20/10/2020 bắt đầu sớm hơn 30 phút so với quy định trước đây.
Ngoài ra, Quyết định này cũng sửa đổi thời gian hoạt động của các loại phương tiện trong khu vực hạn chế. Trong đó, đáng chú ý có thể kể đến:
- Xe ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép từ 1,5 tấn trở lên (trước đây là 1,25 tấn trở lên); xe quá tải trọng, xe bánh xích (bổ sung thêm)… chỉ được hoạt động từ 21h00 đến 6h00 sáng ngày hôm sau trên các tuyến đường (bỏ yêu cầu phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền);
- Xe vận chuyển bưu gửi (thư, gói, kiện hàng hóa được chấp nhận, vận chuyển và phát hợp pháp qua mạng bưu chính) được phép hoạt động 24/42h (trước đây là 24h/24h) hàng ngày…
Những chính sách này đều có hiệu lực từ ngày 20/10/2020.