Chính sách mới có hiệu lực hôm nay (16/10/2019)

Hôm nay, 04 Thông tư mới về các lĩnh vực y tế, sức khỏe, thuế, phí, lệ phí … sẽ chính thức có hiệu lực.


1/ Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân đến 70.000 đồng

Ngày 30/8/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân (CCCD) mới.

Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ CCCD phải nộp lệ phí với mức:

- 30.000 đồng/thẻ: Chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ CCCD;

- 50.000 đồng/thẻ: Đổi thẻ khi bị hư hỏng không dùng được; Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhận dạng; Xác định lại giới tính; Quê quán; Có sai sót về thông tin trên thẻ; Khi yêu cầu;

- 70.000 đồng/thẻ: Cấp lại khi bị mất; Khi được trở lại quốc tịch Việt Nam…

Xem thêm


2/ Không dùng phụ gia thực phẩm để lừa dối người tiêu dùng

Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Thông tư 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.

Theo đó, Thông tư quy định danh mục 57 loại phụ gia phẩm màu được phép dùng trong thực phẩm và các nguyên tắc phải tuân theo:

- Đảm bảo được phép sử dụng và đúng đối tượng, không vượt quá mức sử dụng tối đa với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm;

- Chỉ sử dụng để đạt hiệu quả mong muốn mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng;

- Duy trì giá trị dinh dưỡng của thực phẩm…

Xem thêm: 57 phụ gia phẩm màu được phép dùng trong thực phẩm


Chính sách mới có hiệu lực 16/10/2019 (Ảnh minh họa)

3/ Lưu trữ thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm ít nhất 12 tháng

Khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo về sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện truy xuất nguồn gốc theo hướng dẫn tại Thông tư 25 của Bộ Y tế.

Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải thiết lập hệ thống dữ liệu và lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh.

Đặc biệt: Phải lưu trữ và duy trì hệ thống này trong thời gian tối thiểu 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng lô sản phẩm; 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm dụng cụ, vật liệu chứa, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…

Xem thêm: 5 yêu cầu đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm


4/ Đọc chữ nổi cho người khuyết tật theo chiều từ trái sang phải

Chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille cho người khuyết tật được quy định tại Thông tư 15/2019/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/8/2019.

Theo đó, Thông tư này quy định về quy tắc đọc, viết ô Braille, hệ thống ký hiệu và quy tắc viết chữ nổi tiếng Việt cho người khuyết tật dùng để đọc, viết. Cụ thể, quy tắc đọc được quy định như sau:

- Một ô Braille gồm 06 chấm nổi xếp thành 02 cột dọc và 03 hàng ngang. Mỗi cột dọc có 03 chấm, mỗi hàng ngang có 02 chấm;

- Đọc chữ nổi Braille theo chiều từ trái sang phải, lần lượt từng ô cho đến hết dòng. Khi xuống dòng lại tiếp tục đọc từ ô đầu tiên bên trái cho đến hết dòng…

04 Thông tư này đều có hiệu lực từ ngày hôm nay 16/10/2019.

>> Danh sách văn bản tiêu biểu có hiệu lực tháng 10/2019

>> Nhiều chính sách mới có hiệu lực tháng 10/2019

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục