Hôm nay, chính sách về nâng lương công chức được áp dụng

Hôm nay - ngày 15/8/2021 là thời điểm chính thức có hiệu lực của nhiều chính sách quan trọng có liên quan tới: Nâng bậc lương của công chức, viên chức; điều kiện trở thành tiến sĩ,…


Thay đổi quy định về nâng bậc lương cho công chức, viên chức

Nội dung này được Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BNV với nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến nâng bậc lương cho cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể:

- Bổ sung thêm 01 trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên đó là thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.

- Bổ sung thêm 04 trường hợp về thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm:

  • Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự).
  • Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
  • Thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo;…
  • Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Xem thêm: 6 điểm mới về nâng lương cán bộ, công chức, viên chức

chinh sach moi co hieu luc 15/8/2021
Chính sách mới có hiệu lực 15/8/2021 (Ảnh minh họa)


Nới lỏng điều kiện trở thành Tiến sĩ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT kèm theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.

Theo đó, Quy chế mới không còn yêu cầu công bố các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục ISI/Scopus hoặc bài đăng ở hội thảo quốc tế là điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp đối với nghiên cứu sinh.

Thay vào đó, Quy chế mới cũng đã chấp nhận cả các sách chuyên khảo, các công bố tại tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nếu nghiên cứu sinh là tác giả chính.

Xem thêm: Điểm mới trong quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ


5 nội dung đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ chi

Đây là nội dung được Chính phủ ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại Điều 20 của Nghị định này chỉ rõ 05 nội dung đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ chi gồm:

- Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương.

- Chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

- Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý: Tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Các khoản chi khác (nếu có).

Thêm trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận công ty thông tin tín dụng

Tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 58/2021/NĐ-CP ngày 10/6/2021, Chính phủ đã bố sung 03 trường hợp Công ty thông tin tín dụng bị thu hồi Giấy chứng nhận, cụ thể:

- Gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận (bổ sung mới);

- Công ty thông tin tín dụng thực hiện giải thể theo quy định của pháp luật (bổ sung mới);

- Công ty thông tin tín dụng bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập (bổ sung mới).

Ngoài ra, với các trường hợp Công ty thông tin tín dụng bị thu hồi Giấy chứng nhận khác, Nghị định 58 sửa đổi như sau:

- Không đảm bảo duy trì các điều kiện cấp Giấy chứng nhận sau khi đã thực hiện phương án khắc phục (trước đây chỉ quy định "Không đảm bảo duy trì các điều kiện cấp Giấy chứng nhận”);

- Không khai trương hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận (trước đây, thời hạn này là 24 tháng);…

Nếu còn thắc mắc về các chính sách mới có hiệu lực tháng 8/2021, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trơ.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục