Chính sách mới có hiệu lực hôm nay (15/3/2021)

Ngày 15/3/2021 là ngày chính thức có hiệu lực của nhiều chính sách mới liên quan đến chuẩn nghèo, đến người lao động dưới 18 tuổi, đến quân nhân chuyên nghiệp cũng như việc thi giấy phép lái xe.


1/ Năm 2021, giữ nguyên mức chuẩn nghèo

Nội dung này được Chính phủ quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, trong năm 2021, tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg:

- Hộ nghèo ở nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 - 01 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên;

- Hộ nghèo ở thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 - 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Đến giai đoạn 2022-2025, tiêu chí thu nhập dùng để đo lường nghèo đa chiều tăng như sau:

- Khu vực nông thôn: 1,5 triệu đồng/người/tháng.

- Khu vực thành thị: 2,0 triệu đồng/người/tháng.


2/ Thuê lao động dưới 15 tuổi phải xin lý lịch tư pháp

Quy định về lao động chưa thành niên nêu tại Bộ luật Lao động được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH.

Cụ thể, người sử dụng lao động khi ký hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em;

- Có Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em.

Xem thêm: 5 điều cần biết khi sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi

Chính sách mới có hiệu lực 15/3/2021 (Ảnh minh họa)


3/ Quân nhân chuyên nghiệp được phục vụ tại ngũ thêm 5 năm

Nội dung này được Bộ Quốc phòng bổ sung tại Thông tư số 12/2021/TT-BQP.

Theo đó, khoản 2 Điều 1 Thông tư 12/2021 nêu rõ:

Thời hạn kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm so với hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm nhưng không quá tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh tăng theo lộ trình của Bộ luật Lao động

Đồng thời, quân nhân chuyên nghiệp được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định nêu trên nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Thuộc đối tượng được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ: có trình độ cao đẳng trở lên đang đảm nhiệm các chức danh: Kỹ thuật viên, Nhân viên Kỹ thuật, Huấn luyện viên, Nghệ sĩ, Nhạc sĩ…; thuộc đơn vị đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đào; đang đảm nhiệm chức vụ chỉ huy, quản lý ở các nhà máy, doanh nghiệp quốc phòng…

- Đơn vị có biên chế và nhu cầu sử dụng;

- Hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm; chưa có người thay thế; tự nguyện tiếp tục phục vụ tại ngũ;

- Có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi; tay nghề cao; chất lượng, hiệu quả công tác tốt.


4/ Lùi sử dụng phần mềm mô phỏng dạy lái ô tô đến 2022

Việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ được Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT.

Theo đó, khoản 12 Điều 1 Thông tư này nêu rõ:

Cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 31/12/2021; trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01/01/2022; trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01/7/2022…

Trung tâm sát hạch lái xe sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 01/6/2022.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại khoản 28 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, việc sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô được quy định như sau:

- Ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn pháp luật giao thông đường bộ với học viên học lái xe ô tô trừ hạng B1 từ ngày 01/5/2020;

- Tổ chức đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông từ ngày 01/01/2020;

- Sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01/01/2021;

- Trung tâm sát hạch lái xe sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 01/01/2021…

Như vậy, thời gian trung tâm sát hạch lái xe sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe đã lùi từ ngày 01/01/2021 đến ngày 01/6/2022.

Những chính sách này đều có hiệu lực từ ngày hôm nay - ngày 15/3/2021.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.