Chính sách mới có hiệu lực hôm nay (10/12/2020)

Ngày 10/12/2020 là ngày chính thức có hiệu lực của Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan; Nghị định quy định chi tiết về khiếu nại, tố cáo và tài chính, ngân hàng.

1/ Xuất khẩu hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam phạt đến 100 triệu đồng

Quy định này vừa được Chính phủ bổ sung tại Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Trước đó, vi phạm về hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam là hành vi mới phát sinh nhưng chưa có chế tài xử phạt. Do đó, tại Điều 17 Nghị định này, Chính phủ đã bổ sung mức phạt như sau:

- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng: Tang vật vi phạm có trị giá dưới 30 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng: Tang vật vi phạm có trị giá dưới 50 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng: Tang vật vi phạm có trị giá dưới 70 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng: Tang vật vi phạm có trị giá dưới 100 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng: Tang vật vi phạm có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên.

chinh sach moi co hieu luc 10/12/2020
Chính sách mới có hiệu lực 10/12/2020 (Ảnh minh họa)


2/ Văn bản ủy quyền khiếu nại phải chứng thực hoặc công chứng

Đây là nội dung mới được bổ sung tại Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.

Theo đó, khoản 3 Điều 5 Nghị định này khẳng định:

Việc ủy quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng.

Trong đó, việc ủy quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gồm các trường hợp sau đây:

- Ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Nếu người khiếu nại chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật thực hiện khiếu nại.

- Cơ quan, tổ chức khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện này được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện khiếu nại.

Như vậy, theo Nghị định này, người, tổ chức khiếu nại có thể ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện khiếu nại và việc ủy quyền này phải lập thành văn bản, có chứng thực hoặc công chứng.


3/ Công ty mua bán nợ Việt Nam được chuyển nợ thành vốn góp

Tại Nghị định 129/2020/NĐ-CP, Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam.

Theo đó, Điều 16 Nghị định này quy định các hình thức xử lý nợ mua, tiếp nhận gồm:

- Chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp;

- Nhận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ bên nợ sang bên thứ ba;

- Bán nợ theo các phương thức: đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh, thỏa thuận trực tiếp với các tổ chức, cá nhân (không bao gồm bên nợ);

- Quản lý, đầu tư, khai thác, xử lý tài sản bảo đảm (bao gồm cả tài sản nhận gán nợ) để thu hồi nợ…

Những chính sách này đều có hiệu lực từ 10/12/2020.

>> Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 12/2020

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục