Từ 01/8/2019, phạt nặng công ty du lịch để khách trốn ở lại nước ngoài

Hôm nay (01/8/2019), nhiều chính sách mới quan trọng chính thức có hiệu lực liên quan đến các lĩnh vực như cán bộ - công chức, bảo hiểm, văn hóa - thể thao và du lịch…

1. Để khách trốn ở lại nước ngoài, công ty du lịch bị phạt tới 90 triệu đồng

Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Theo đó, công ty du lịch sẽ bị phạt tiền từ 80 - 90 triệu đồng nếu để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài trái phép; sử dụng người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam; cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của mình để hoạt động kinh doanh…

Xem thêm: Xe du lịch không có rèm chống nắng bị phạt tới 5 triệu đồng

Khách du lịch trốn ở lại nước ngoài
Khách du lịch trốn ở lại nước ngoài (Ảnh minh họa)

2. Thêm trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT

Ngày 10/6/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 09/2019/TT-BYT hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Đặc biệt, từ hôm nay, khi Thông tư có hiệu lực, sẽ có thêm 03 trường hợp người có thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT:

- Người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở khi khám, chữa bệnh đúng tuyến nhưng chưa được thanh toán số tiền lớn hơn;

- Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin;

- Người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.

3. Từ 01/7/2019, trợ cấp hàng tháng của cán bộ xã đã nghỉ hưu tăng 7,19%

Thông tư 09/2019/TT-BNV quy định chi tiết nội dung này chính thức có hiệu lực từ hôm nay, tuy nhiên, việc điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ hưu được thực hiện song song với thời điểm tăng mức lương cơ sở (01/7/2019).

Theo đó, mức trợ cấp của những đối tượng này tăng thêm 7,19% so mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019. Cụ thể:

Với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã: 2,116 triệu đồng/tháng.

Với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 2,048 triệu đồng/tháng.

Với các chức danh còn lại: 1,896 triệu đồng/tháng.

Chính sách mới có hiệu lực 01/8/2019

Chính sách mới có hiệu lực 01/8/2019 (Ảnh minh họa)

4. Tù nhân mắc bệnh hiểm nghèo được đề nghị đặc xá

Theo quy định tại Nghị định 52/2019/NĐ-CP, người bị kết án phạt tù đang mắc một trong các bệnh hiểm nghèo (ung thư giai đoạn cuối, liệt; lao năng kháng thuốc; xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên…) nguy cơ tử vong cao thì được đề nghị đặc xá.

Bên cạnh đó, một số trường hợp khác cũng được đề nghị đặc xá theo Nghị định này như cứu người trong hỏa hoạn, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất, có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt…

5. Xổ số Vietlott được kinh doanh trên phạm vi cả nước

Thông tư 36/2019/TT-BTC đã mở rộng phạm vi kinh doanh của các công ty kinh doanh xổ số Vietlott phân phối qua thiết bị đầu cuối.

Theo đó, từ hôm nay, công ty xổ số điện toán sẽ được phát hành vé xổ số Vietlott qua thiết bị đầu cuối trên phạm vi cả nước như các phương thức khác (điện thoại cố định, điện thoại di động và internet), thay vì một số tỉnh, thành phố như hiện nay.

Xem thêm: Quy trình quay số mở thưởng xổ số Vietlott

6. Chơi thô bạo trong thể thao bị phạt đến 25 triệu đồng

Ngày 27/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao.

Một trong những hành vi bắt gặp khá phổ biến trong thi đấu thể thao là việc cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác. Đây là hành vi nguy hiểm, do đó, bất cứ ai thực hiện đều có thể bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng.

Ngoài ra, với hành vi này, vận động viên còn bị đình chỉ việc tham dự giải đấu với thời hạn từ 03 - 06 tháng.

Chơi thô bạo trong thể thao
Chơi thô bạo trong thể thạo bị phạt tới 25 triệu đồng (Ảnh minh họa)

7. Phạt tới 30 triệu đồng nếu tặng thưởng KHCN để thu lợi bất chính

Nội dung này được quy định tại Điều 14 Nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ hôm nay (01/8/2019).

Theo đó, cá nhân có hành vi đặt, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ để thu lợi bất hợp pháp hoặc cho các công trình nghiên cứu có nội dung pháp luật cấm sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Tổ chức có cùng hành vi vi phạm này thì mức phạt gấp 02 lần.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc buộc hủy bỏ kết quả công nhận giải thưởng và cải chính thông tin sai sự thật.

Xem thêm: Mức phạt khi vi phạm sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học

8. Đăng ký xe máy chuyên dùng tạm thời có thời hạn 20 ngày

Thông tư 22/2019/TT-BGTVT quy định chi tiết về việc đăng ký xe máy chuyên dùng.

Trường hợp xe máy chuyên dùng chưa đăng ký, khi di chuyển trên đường bộ phải được đăng ký tạm thời và Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời này có thời hạn 20 ngày kể từ ngày cấp.

Hồ sơ đăng ký tạm thời bao gồm: Tờ khai cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời; Giấy xác nhận quyền sở hữu xe máy chuyên dùng; Giấy tờ xác định nguồn gốc xe máy chuyên dùng (bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).

9. Ban hành mới tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị y tế chuyên dùng

Nội dung này được quy định chi tiết tại Thông tư 08/2019/TT-BYT và chính thức được áp dụng từ hôm nay.

Cụ thể, các đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương hoặc các Bộ, ngành khác phải đảm bảo có 01 máy X quang kỹ thuật số chụp tổng quát/cơ sở; tối đa 02 hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA)/cơ sở; 01 máy siêu âm tổng quát/đơn vị…(có yêu cầu của từng loại máy, thiết bị kèm theo).

10. Người bồi dưỡng thực hành lâm sàng phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm

Điều 3 Thông tư 11/2019/TT-BYT nêu rõ yêu cầu đối với giảng viên bồi dưỡng cho người giảng dạy thực hành lâm sàng, đó là:

- Có trình độ đại học trở lên thuộc ngành, chuyên ngành trong khối ngành sức khỏe;

- Có kinh nghiệm giảng dạy lâm sàng thuộc chuyên ngành tương ứng tối thiểu 05 năm, tính đến thời điểm tham gia bồi dưỡng cho người giảng dạy thực hành;

-  Có chứng chỉ phương pháp dạy - học (nghiệp vụ sư phạm và sư phạm y học cơ bản hoặc phương pháp sư phạm y học) hoặc đã dạy môn học Phương pháp giảng dạy đại học trong khối ngành sức khỏe từ 05 năm trở lên.

Trên đây là tổng hợp của LuatVietnam về những chính sách mới có hiệu lực 01/8/2019.

>> Danh sách văn bản tiêu biểu có hiệu lực tháng 08/2019

>> Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2019

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Chính phủ ban hành.