1. Nâng mức bồi dưỡng với người trực tiếp khảo sát, rà phá bom, mìn từ 01/12/2024
Quyết định 16/2024/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh được ban hành ngày 14/10/2024
Theo đó, Quyết định 16/2024/QĐ-TTg nêu rõ những trường hợp dưới đây:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp,hạ sĩ quan, chiến sĩ,
- Công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng,
- Cán bộ, công chức, viên chức.
Nếu được cấp có thẩm quyền giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp (nếu có) và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật, được hưởng chế độ bồi dưỡng mức 350.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.
Trước đó, tại Quyết định 30/2013/QĐ-TTg sửa đổi Khoản 2 Điều 1 Quyết định 122/2007/QĐ-TTg, mức sinh hoạt phí mức 180.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ tại khu vực dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ.
2. Sửa đổi hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại
Nghị định 128/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại được Chính phủ ban hành ngày 10/10/2024.
Theo đó khoản 1 Nghị định 128/2024/NĐ-CP đã sửa đổi hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại như sau:
- Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá bán ngay trước thời gian khuyến mại của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại, Điều 8, khoản 2 Điều 9, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định 81/2018/NĐ-CP;
- Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại, Điều 8 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 81/2018/NĐ-CP;
- Trong các trường hợp tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%.
Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định;...
3. 3 phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới
Ngày 04/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 122/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Khoản 2 Điều 1 Nghị định 122/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Nghị định 14/2018/NĐ-CP về phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới. Theo đó, từ 01/12/2024 có 03 phương thức thanh toán gồm:
- Thanh toán qua ngân hàng;
- Thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng);
- Thanh toán bằng tiền mặt chỉ áp dụng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Nghị định 122/2024/NĐ-CP còn quy định hàng hóa trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân, cư dân biên giới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc và các điều kiện khác theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.
4. Bổ sung mức chi thăm hỏi đơn vị và cá nhân là người dân tộc thiểu số
Nội dung này được nêu Nghị định 127/2024/NĐ-CP ban hành ngày 10/10/2024 sửa đổi Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc.
Khoản 6 Điều 1 Nghị định 127/2024/NĐ-CP đã bổ sung mức chi thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà, động viên, gặp mặt đối với một số đơn vị, cá nhân là người dân tộc thiểu số như sau:
- Trường hợp thụ hưởng gồm:
- Nguyên lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước là người dân tộc thiểu số;
- Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, chiến sỹ cách mạng tiêu biểu, sĩ quan lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng đã nghỉ hưu là người dân tộc thiểu số;
- Nguyên Lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương là người dân tộc thiểu số; nguyên Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là người dân tộc thiểu số;
- Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, giáo sư, phó giáo sư là người dân tộc thiểu số;
- Nội dung và mức chi cụ thể như sau:
Thăm hỏi, tặng quà Nguyên lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước là người dân tộc thiểu số; Anh hùng Lực lượng vũ trang,... Mức chi tối đa: 5.000.000 đồng/người/lần; không quá 10.000.000 đồng/người/năm;
Chúc mừng, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên Đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số,... Mức chi tối đa: 1.000.000 đồng/người/lần; không quá 3.000.000 đồng/người/năm;
Thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà Ủy ban nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, đơn vị lực lượng vũ trang, trạm y tế, cơ sở giáo dục mầm non,... Mức chi tối đa: 20.000.000 đồng/đơn vị, tổ chức/lần/năm;..
Hôm nay, các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của nhiều tỉnh thành như Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Cà Mau… cũng chính thức có hiệu lực.