Kho bãi tạm giữ xe vi phạm phải có mái che; Bổ sung đối tượng có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ ngày 01/5.
Không bị tạm giữ xe vi phạm giao thông nếu có tiền bảo lãnh
Nội dung này là điểm đáng chú ý tại Nghị định 31/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ thì tổ chức, cá nhân vi phạm có thể được giao giữ, bảo quản phương tiện nếu có một trong hai điều kiện:
- Người vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn, hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức (có địa chỉ rõ ràng) nơi cá nhân vi phạm đang công tác. Tổ chức, cá nhân phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.
- Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh.
Tuy nhiên, cùng với đó sẽ có 04 trường hợp xe vi phạm không được bảo lãnh, gồm:
- Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự;
- Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông;
- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa;
- Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.
Nhiều chính sách có hiệu lực 1/5/2020 (Ảnh minh họa)
Kho bãi tạm giữ xe vi phạm phải có mái che
Theo Nghị định 31/2020/NĐ-CP, nếu nơi tạm giữ xe vi phạm là nhà, kho bãi phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hàng rào bảo vệ, nội quy ra vào, nội dung bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy;
- Khô ráo, thoáng khí. Nếu là ngoài trời thì phải có mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng;
- Có hệ thống thiết bị chiếu sáng; thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện.
Thêm đối tượng có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án
Tại Nghị định 33/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã sửa đổi quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự.
Cụ thể, Nghị định này quy định cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; cơ quan đại diện chủ sở hữu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án (trước đây chỉ cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án).
Ngân hàng có thể được miễn phí rút tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước
Thông tư 27/2019/TT-NHNN đã sửa đổi một số quy định về phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, tổ chức tín dụng được miễn phí rút tiền mặt trong tháng khi giá trị tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán nhỏ hơn hoặc bằng giá trị tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước cùng nơi mở tài khoản.
Tổ chức tín dụng chịu mức phí 0,005% trên số chênh lệch dương trong tháng giữa giá trị tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán trừ giá trị tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước cùng nơi mở tài khoản.