Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư 37/2019/TT-BTC về chế độ tài chính với chương trình, dự án tài chính vi mô.
Chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ (chương trình, dự án TCVM) được thành lập và tổ chức hoạt động tại Việt Nam ngày 12/6/2017 nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng tài chính vi mô, góp phần tạo việc làm, thực hiện xóa đói, giảm nghèo.
Cách thức chia lợi nhuận của dự án tài chính vi mô (Ảnh minh họa)
Theo đó, sau khi thực hiện bù đắp lỗ năm trước (nếu có) và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, lợi nhuận sẽ do chương trình, dự án TCVM quyết định nhưng không được chia hoặc sử dụng cho các hoạt động không phải là hoạt động tài chính vi mô dưới bất kỳ hình thức nào.
Bên cạnh đó, chi phí của chương trình, dự án TCVM bao gồm các khoản chi cụ thể như:
- Chi trả lãi tiền gửi tiết kiệm bắt buộc, tự nguyện, tiền vay…
- Chi cho dịch vụ viễn thông, ủy thác vay vốn, chi hoa hồng cho đại lý, môi giới, ủy thác…
- Chi cho cán bộ nhân viên gồm tiền lương, tiền công, mua bảo hiểm tai nạn con người, ăn ca, trang phục…
- Chi cho hoạt động quản lý, công vụ như vật liệu, giấy tờ in, công tác phí, xăng dầu, bưu phí, điện thoại, quảng cáo, khuyến mại…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 09/8/2019.