Chênh lệch tỷ giá được phân bổ tối đa 05 năm

(LuatVietnam) Quy định này vừa được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư số 201/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009 hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp. Thông tư này áp dụng cho doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật (không áp dụng đối với các doanh nghiệp chuyên kinh doanh mua bán ngoại tệ) theo nguyên tắc: toàn bộ chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ của hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (của doanh nghiệp vừa sản xuất kinh doanh, vừa có hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản) được hạch toán ngay vào chi phí tài chính hoặc doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ.
Thông tư hướng dẫn, trong giai đoạn đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ để thực hiện đầu tư xây dựng và chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính được phản ánh lũy kế, riêng biệt trên bảng cân đối kế toán. Khi tài sản cố định hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng thì chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng được phân bổ dần vào thu nhập hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh cụ thể: trường hợp chênh lệch tỷ giá hối đoái tăng được phân bổ dần vào thu nhập tài chính của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đưa vào hoạt động; trường hợp chênh lệch tỷ giá hối đoái giảm được phân bổ dần vào chi phí tài chính của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đưa vào hoạt động. Trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh, kể cả việc đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp đang hoạt động, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ sẽ được ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí trong năm tài chính.
Đối với chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh do việc đánh giá lại số dư cuối năm của các khoản nợ dài hạn (trên 1 năm) có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính thì được xử lý như sau: đối với các khoản nợ phải thu bằng ngoại tệ, công ty phải đánh giá lại số dư cuối năm của các loại ngoại tệ, sau khi bù trừ, nếu chênh lệch tăng được hạch toán vào thu nhập tài chính trong năm, nếu chênh lệch giảm được hạch toán vào chi phí tài chính trong năm; đối với khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ, công ty phải đánh giá lại số dư cuối năm của các loại ngoại tệ, sau khi bù trừ, nếu chênh lệch tăng được hạch toán vào chi phí tài chính trong năm và được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu chênh lệch giảm thì được hạch toán vào thu nhập tài chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 44/TC-TCDN ngày 8/7/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp nhà nước và Thông tư số 38/2001/TT-BTC ngà 05/6/2001 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/TC-TCDN ngày 8/7/1997.
  • LuậtViệtnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục