Chậm thủ tục hành chính, người dân được khởi kiện?

Ngày 28/6, dự thảo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sửa đổi) đã được TAND tối cáo trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến. Hàng loạt vấn đề gắn với yêu cầu cải cách tư pháp, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân đã được đặt ra.

 

Nên quy định về khiếu kiện hành vi hành chính "bất hành động"

 

Một vấn đề được cơ quan soạn thảo và các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận nhiều là các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.

 

Theo ngôn ngữ chuyên ngành, hành vi hành chính gồm có hành động (thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc vượt quá thẩm quyền) và bất hành động (không thực hiện công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình). Theo Phó Chánh án TAND tối cao Đặng Quang Phương, trong thực tiễn giải quyết vụ án hành chính của toà án, chưa có vụ án hành chính nào về khiếu kiện hành vi hành chính "bất hành động".

 

Tuy nhiên, theo ông Phương, đa số ý kiến trong Ban soạn thảo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sửa đổi) đều cho rằng cần quy định khiếu kiện đối với hành vi hành chính "bất hành động" là vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.

 

Nhưng cũng có ý kiến đề nghị không quy định khiếu kiện đối với hành vi hành chính "bất hành động" là vụ án hành chính, mà xử lý loại khiếu kiện này theo pháp luật về công chức. Thẩm tra dự thảo Pháp lệnh, ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH cho biết đa số ý kiến của uỷ ban này nên quy định về khiếu kiện hành vi hành chính bất hành động.

 

"Quy định hiện hành không phù hợp với thực tế, vì có nhiều trường hợp cán bộ, công chức không thực hiện nhiệm vụ có thể gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân" – ông Khiển nói. Ví dụ được ông Khiển đưa ra khá dễ hiểu: chẳng hạn khi xin giấy phép xây dựng, đã có đủ hồ sơ hợp lệ, nhưng quá thời gian quy định mà cơ quan cấp phép vẫn chưa cấp phép, thì người dân có quyền khởi kiện cơ quan này ra toà hành chính.

 

Qua thực tế công tác, Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Lê Quang Bình cũng cho rằng cần quy định như vậy để bảo vệ quyền lợi của dân. "Lâu nay có nhiều bức xúc, nhưng người ta không kiện là vì.... chưa có quy định" - ông Bình lý giải.

 

Viện KSND sẽ không khởi tố vụ án hành chính

 

Một sửa đổi quan trọng khác được đề cập trong dự thảo Pháp lệnh là địa vị pháp lý của Viện KSND trong tố tụng hành chính. Theo Phó Chánh án Đặng Quang Phương, bản thân Ban soạn thảo cũng có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Đa số thành viên Ban soạn thảo cho rằng, Viện KSND cần tham gia tất cả các phiên toà hành chính, nhưng không khởi tố vụ án hành chính.

 

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì không nên cho Viện KSND khởi tố vụ án hành chính như quy định hiện hành, mà giao quyền khởi kiện vụ án hành chính cho cha, mẹ, người giám hộ của những người này thực hiện. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng theo tinh thần cải cách tư pháp thì không nên quy định Viện KSND phải tham gia các phiên toà hành chính.

 

Thẩm tra dự thảo Pháp lệnh, Thường trực Uỷ ban Pháp luật của QH cũng nhất trí với ý kiến này, bởi cho Viện KSND tham gia các phiên toà hành chính là không phù hợp với chủ trương giao cho Viện KSND tập trung vào thực hiện chức năng công tố.

 

Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, và phê duyệt Tờ trình của Viện KSND tối cao về bộ máy của Viện và bổ sung một số kiểm sát viên làm thành viên Uỷ ban Kiểm sát Viện KSND tối cao.

 

(Theo VietNamNet)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.