Cấp phép cho lao động nước ngoài qua mạng: Đơn giản thủ tục để thu hút nhân lực chất lượng cao

Từ 02/10/2017, tiến hành cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng. Quy định này giúp tiết kiệm chi phí, thời gian của người làm thủ tục, đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút nguồn lao động nước ngoài có trình độ tới làm việc tại Việt Nam và giải quyết được vấn nạn lao động “chui”.

Người nước ngoài đến Việt Nam làm việc là một hiện tượng khá phổ biến trong thời gian gần đây. Theo thống kê, trong hơn 10 năm qua, số lao động nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, từ hơn 12.000 lao động năm 2004, đến năm 2016, số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã tăng lên hơn 82.000 người. Cũng theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến từ hơn 100 quốc gia khác nhau, trong đó chủ yếu là từ các nước Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

Theo quy định, khi người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người sử dụng lao động phải liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xin cấp giấy phép cho lao động đó. Đây là thủ tục cần thiết, giúp người lao động nước ngoài được đảm bảo các quyền lợi và lợi ích hợp pháp ; đồng thời, giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý được hoạt động của người lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định số 11/2016/NĐ-CP của Chính phủ chỉ rõ, trước 15 ngày làm việc, kể từ ngày lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gồm các loại giấy tờ cần thiết cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài dự kiến làm việc. Sau 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Tương tự, với trường hợp xin cấp lại giấy phép lao động, người sử dụng lao động cũng phải chuẩn bị hồ sơ cần thiết để gửi tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội … Việc cấp giấy phép theo phương pháp “thủ công” này tốn nhiều thời gian và công sức, có trường hợp phải đi lại rất nhiều lần mới hoàn thành xong. Điều này vô hình chung trở thành rào cản trong việc  mời gọi người lao động nước ngoài tới làm việc tại Việt Nam và làm gia tăng tình trạng lao động nước ngoài làm việc “chui”.

Hình ảnh minh họa

Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được ban hành giữa tháng 08 vừa qua đã phần nào giải quyết được vấn đề này. Theo đó, từ ngày 02/10/2017, áp dụng việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử. Theo hướng dẫn tại Thông tư này, việc cấp/cấp lại giấy phép lao động sẽ được thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử: http//dvc.vieclamvietnam.gov.vn.  Cụ thể, trước ít nhất 07 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động qua Cổng thông tin điện tử. Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép phải nêu rõ lý do. Khi nhận được kết quả thông báo hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan cấp giấy phép lao động để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định. Trong tối đa 08 giờ làm việc, kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép sẽ trả kết quả cho người sử dụng lao động.

Giải quyết các thủ tục liên quan đến giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng góp phần giảm bớt áp lực cho các bộ phận giải quyết thủ tục, giảm chi phí, rút ngắn thời gian,  đồng thời nâng cao hiệu quả xử lý công việc, góp phần thu hút nguồn lao động nước ngoài có trình độ đến làm việc tại Việt Nam.

Để tìm hiểu thêm về những quy định nêu trên, bạn đọc tham khảo:

Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử

Nghị định 11/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục