"Cần xác định quyền chính trị của thanh niên trong luật"

Đó là ý kiến của nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Trọng Kim tại Hội nghị lãnh đạo Trung ương Đoàn các thời kỳ góp ý Dự Luật Thanh niên, diễn ra ngày 25/4, tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Trọng Kim, trong chương "Quyền và nghĩa vụ của thanh niên" của Luật Thanh niên vẫn còn thiếu một quyền rất cơ bản của thanh niên, đó là quyền chính trị, bên cạnh những quyền khác như kinh tế, học tập, lao động... Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc phát huy vai trò của thanh niên trong xã hội chưa được tốt.

Vì vậy, theo ông Kim, Luật Thanh niên cần phải thể hiện được tư tưởng này, gạt bỏ mọi sự áp đặt, rập khuôn để thanh niên có cơ hội tiếp cận cái mới, có nhiều sáng kiến mới đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ông Vũ Trọng Kim đã trình bày rõ hơn quan điểm này với VietNamNet:

- Theo ông, quyền chính trị của thanh niên cần được đề cập như thế nào trong Luật thanh niên?

- Quyền chính trị đối với thanh niên rất quan trọng. Bởi lứa tuổi này đã đủ điều kiện để tham gia vào các hoạt động chính trị, từ tổ chức Hội, Đoàn đến chính quyền các cấp, tổ chức Đảng mà Đảng cũng khuyến khích họ tham gia vào lực lượng chính trị đó.

Nếu quyền chính trị được xác lập trong Luật, điều đầu tiên là thanh niên sẽ được tự do gia nhập các tổ chức chính trị - xã hội, được tuyên truyền, hướng dẫn để không bị ngỡ ngàng khi tham gia. Đồng thời, quyền này cũng giúp họ được tự do về tư tưởng, tự do về mặt tham gia quyền ứng cử, đề cử, tham gia vào các cơ quan hệ thống chính trị của mình, kể cả tự do sáng kiến. Bởi vì thanh niên là lớp người rất giàu sáng kiến, cả những sáng kiến về chính trị chứ không chỉ riêng về khoa học, xã hội...

Quyền chính trị còn giúp thanh niên có cơ hội tham gia vào việc phản biện xã hội đối với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Họ phải thấy rằng chủ trương đó có hợp hay không, hợp cho cái chung của xã hội cũng như cái riêng của đối tượng thanh niên. Phải để cho họ hành lang pháp lý để họ được nói lên tiếng nói công dân trẻ đối với đất nước.

Điều quan trọng hơn cả là quyền chính trị sẽ xác định được tư thế của thanh niên trong xã hội, địa vị xã hội của thanh niên được xác định. Đó chính là điều cần thiết để thanh niên vừa tham gia, vừa tập dượt để trở thành lực lượng kế tục sự nghiệp lãnh đạo đất nước sau này.

Thiếu quyền chính trị có thể làm mất đi tầm vóc của thanh niên. Tầm vóc của thanh niên không phải chỉ là người lao động chân tay hay lao động bình thường theo sự hướng dẫn của cấp trên mà chính họ phải được đặt trong vai trò người làm chủ. Bởi vì họ ý thức được rất rõ về thời cuộc.

- Theo ông, đâu là khó khăn, trở ngại lớn nhất khiến cho Luật thanh niên đưa ra bàn thảo gần 20 năm nay mà vẫn chưa có "hồi kết"?

- Khó khăn lớn nhất là do nhận thức về vai trò, vị trí của thanh niên. Ngay bản thân thanh niên cũng chưa thấy được vai trò họ là chủ nhân hiện tại và tương lai của đất nước. .

Mặt khác, chúng ta chưa có chuẩn bị tốt về mặt nội dung của Luật Thanh niên, tuy rằng điều kiện để ra Luật đã chín muồi.

 

(Nguyệt Minh - VietNamNet)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.