Theo Chỉ thị, cơ sở y tế phải bố trí các kíp trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn giao thông, sinh đẻ trong ngày Tết.
Trường hợp bệnh nhân nhập viện trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế khác (sau khi đã giải thích kỹ cho người bệnh và người nhà cùng đi). Tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết.
Chỉ thị cũng nêu rõ, công tác phòng chống dịch bệnh phải được quan tâm, nhất là bệnh viêm phổi do vi-rút H5N1. Do đó, thời điểm Tết Nguyên đán, cần tăng cường việc kiểm tra vệ sinh môi trường, khống chế các ổ dịch cũ; kiểm tra các địa điểm công cộng. Duy trì hoạt động trực của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H5N1 trong dịp Tết.
Cũng theo tinh thần của chỉ thị, các bệnh viện, công ty dược Trung ương, địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng đủ thuốc chữa bệnh với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm, nhất thiết không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh. Nghiêm cấm việc bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc quá hạn sử dụng và tăng giá thuốc đột biến tại các hiệu thuốc của Nhà nước cũng như tư nhân trong dịp Tết. Sẵn sàng cung cấp thuốc khi có cấp cứu hàng loạt hoặc dịch bệnh xảy ra, nhất là khi có dịch cúm A/H5N1 xảy ra ở người. Công bố tên, địa chỉ các hiệu thuốc thường trực bán thuốc cả ngày và đêm trong các ngày nghỉ Tết để nhân dân biết.
Tăng cường hệ thống giám sát dịch bằng cách bố trí người trực thường xuyên nhằm phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có dịch phải báo cáo ngay tới các cơ quan y tế cấp trên và báo cáo về Bộ Y tế.
Tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là tại các chợ, các nơi bán thực phẩm phục vụ Tết; cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; chống hàng giả, hàng thực phẩm kém chất lượng.
(Theo VietNamNet)