Theo Thông tư này, chỉ có các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự... được quyền đem vốn đến ngân hàng ủy thác; riêng cá nhân có vốn không được ủy thác tại các ngân hàng.
Sau khi nhận vốn, bên ủy thác là các ngân hàng phải tiến hành phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi thực hiện nghiệp vụ ủy thác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, quy định này có thể giúp cho hoạt động ủy thác diễn ra minh bạch thay vì biến tướng như trước đây khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng mức trần 14% một năm đối với huy động bằng đồng Việt Nam, một số ngân hàng đã nhận ủy thác của người dân với mức lãi suất cao vượt trần. Điều này vô hình chung khiến cho việc huy động vốn trên thị trường trở nên méo mó vì khi nhận ủy thác, ngân hàng vừa thu hút được tiền gửi, lách trần lãi suất cũng như né được tăng trưởng tín dụng...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/05/2012 và thay thế Quyết định số 742/2002/QĐ-NHNN ngày 17/07/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
- LuậtViệtnam