Theo đó, người lao động trong khi làm việc chỉ cần tiếp xúc với những yếu tố vật lý xấu; bụi và hóa chất độc hại; yếu tố sinh học độc hại, môi trường vệ sinh lao động hoặc làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động, làm việc ở vị trí mà tư thế lao động nguy hiểm dễ gây ra tai nạn lao động; làm việc trên cao; làm việc trong hầm lò, nơi thiếu dưỡng khí; làm việc trên sông nước, trong rừng và điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại khác (như: Trắc địa, đo đạc, cắm tuyến cầu đường; quan trắc viên khí tượng mặt đất; vận hành hoặc lái các loại máy, thiết bị khai thác, xây dựng trong hầm lò; thợ sắt làm việc trong hầm lò; sĩ quan, thuyền viên làm việc trên tàu vận chuyển xăng dầu...) sẽ được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo quy định của pháp luật. Trường hợp các nghề, công việc chưa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành mà xét thấy có yếu tố nguy hiểm, độc hại không bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, người sử dụng lao động có thể trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với công việc đó, đồng thời, báp cáo về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương hoặc Bộ, ngành chủ quản. Đặc biệt, nghiêm cấm cấp phát tiền thay cho việc cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hoặc giao tiền cho người lao động tự đi mua.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/04/2014.
- LuậtViệtnam