Trong đó, đáng chú ý là quy định cho phép thương nhân đầu mối ở các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh bình quân định mức cao hơn 1.050 đồng/lít đối với xăng; 950 đồng/lít đối với dầu điêzen, dầu hỏa và 600 đồng/kg đối với các loại dầu madút, được cân đối, xem xét quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình; đồng thời, được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó để bù đắp chi phí kinh doanh hợp lý, hợp lệ phát sinh, nhưng phải đảm bảo giá bán không vượt quá 2% giá cơ sở công bố tại cùng thời điểm.
Thông tư cũng cho phép các thương nhân đầu mối được quyền chủ động thực hiện các phương thức kinh doanh xăng dầu phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh; trích lập Quỹ Bình ổn giá và chỉ sử dụng Quỹ cho mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu trong nước theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, nghiêm cấm sử dụng Quỹ để cấp vốn kinh doanh hoặc các mục đích khác.
Quỹ Bình ổn giá được trích lập thường xuyên, liên tục bằng 01 khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, dầu điêzen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madút thực tế tiêu thụ theo khoản 9 Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.
LuậtViệtnam