Để thực hiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở y tế, cần phải lưu ý cách xác định số ngày điều trị nội trú trong thanh toán tiền giường bệnh.
Cách tính ngày điều trị nội trú để thanh toán BHYT (Ảnh minh họa)
Theo đó, số ngày điều trị nội trú được xác định theo 02 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ ngày 01/3/2016 đến 14/7/2018:
Trong thời gian này, số ngày điều trị nội trú được tính theo công thức:
Số ngày điều trị nội trú = (Ngày ra viện – ngày vào viện) + 1.
Trong đó, nếu vào viện từ đêm hôm trước và ra viện vào sáng hôm sau trong khoảng từ 04 tiếng – 08 tiếng đồng hồ thì chỉ được tính 01 ngày; Nếu chuyển khoa trong cùng một bệnh viện và cùng một ngày thì mỗi khoa chỉ được tính là ½ ngày.
Giai đoạn 2: Từ 15/7/2018 trở đi:
- Nếu người bệnh đỡ hoặc khỏi ra viện thì số ngày điều trị nội trú được tính bằng công thức:
Số ngày điều trị nội trú = Ngày ra viện – ngày vào viện
- Nếu người bệnh nặng điều trị nội trú mà bệnh không giảm hoặc diễn biến nặng hơn và gia đình xin chuyển viện lên tuyến trên; Người bệnh được điều trị tuyến trên qua giai đoạn cấp cứu và được điều trị nội trú ở tuyến dưới hoặc cơ sở khác thì số ngày điều trị nội trú được tính theo công thức:
Số ngày điều trị nội trú = (Ngày ra viện – ngày vào viện) + 1
Trong đó, nếu vào viện và ra viện cùng một ngày, thời gian điều trị trên 04 giờ thì được tính là 01 ngày điều trị. Nếu chuyển 02 khoa trong cùng một ngày thì mỗi khoa chỉ được tính bằng ½ ngày…
Ngoài ra, chi phí thuốc, vật tư y tế, máu và chế phẩm máu chưa tính trong giá dịch vụ thì thanh toán theo thực tế sử dụng và giá mua theo đấu thầu của cơ sở y tế.
Công văn này được ban hành ngày 17/6/2019.