Bơm tạp chất vào tôm có thể bị xử lý hình sự

Những đối tượng thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị phạt tiền hoặc cũng có thể bị xử lý hình sự.

Bơm tạp chất vào tôm trước khi bán ra thị trường là hoạt động đã diễn ra nhiều năm nay. Tình trạng này không hề có dấu hiệu suy giảm mà có xu hướng ngày càng tăng, đi kèm là những thủ đoạn tinh vi hơn. Trong thời gian vừa qua, hàng loạt vụ bơm tạp chất vào tôm đã được lực lượng chức năng phát hiện khiến người dân vô cùng lo lắng.

Mới đây, vào ngày 13/07, lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu đã bắt quả tang 2 cơ sở kinh doanh gồm cơ sở thu mua bán tôm của ông Trần Quốc Trung (34 tuổi, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) và cơ sở của ông Trần Quốc Khải (37 tuổi, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm. Theo đó, các cơ sở này sử dụng tạp chất Agar và CMC để bơm vào tôm sú nhằm tăng trọng lượng, kích thước tôm. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ nhiều ki-lô-gam tôm nguyên liệu đã được bơm tạp chất, trang thiết bị phục vụ cho việc bơm tạp chất và hàng trăm lít tạp chất Agar và CMC. Cơ sở của ông Trung và ông Khải chỉ là hai trong số hàng trăm cơ sở kinh doanh đã bị phát hiện trên phạm vi cả nước. Chỉ tính riêng tại tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tại đây đã phát hiện hàng chục vụ bơm tạp chất vào tôm, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Mục đích của việc bơm tạp chất vào tôm là làm tăng trọng lượng và “làm đẹp” cho tôm, thu lợi bất chính. Chính vì hám lợi, nhiều chủ cơ sở kinh doanh tôm đã không ngại bơm tạp chất vào tôm và bán cho người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, khi ăn phải loại tôm có bơm tạp chất, người ăn có nguy cơ bị ngộ độc và mắc một số chứng bệnh như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, suy gan, suy thận… Do đó, xét theo khía cạnh đạo đức, đây là một hành động đáng bị lên án.

Hình ảnh mình họa

Về mặt pháp lý, bơm tạp chất vào tôm là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả mà người thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Khoản 5 Điều 16 Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có quy định phạt tiền đối với hành vi đưa tạp chất vào thủy sản, thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh thủy sản có tạp chất như sau: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển thủy sản có tạp chất, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thuê người khác vận chuyển thủy sản có tạp chất, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thu gom, bảo quản, kinh doanh thủy sản có tạp chất do được đưa vào; Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào. Hoặc phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi: Thu gom, bảo quản, kinh doanh thủy sản có tạp chất; Tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào.

Các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu lô hàng thủy sản, tịch thu phương tiện, dụng cụ dùng để vi phạm và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, bị buộc loại bỏ tạp chất đối với lô hàng, trong trường hợp không loại bỏ được tạp chất thì bị buộc tiêu hủy.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn triệt để hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên phạm vi cả nước, ngày 13/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2419/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Theo đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Công an phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cùng các Bộ, ngành liên quan xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất và ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý theo luật hình sự. Trong trường hợp không xác định được tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự thì báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung hành vi vi phạm đưa tạp chất vào thực phẩm là tội danh mới.

Hành vi bơm tạp chất cấm vào tôm là hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó, người thực hiện hành vi này hiện nay có thể bị xem xét xử lý theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 1999. Cụ thể Điều 244 Bộ luật Hình sự 1999 quy định Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau: Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 01-05 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì phạt tù từ 03-10 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 07-15 năm.

Đưa tạp chất vào tôm là một hành vi gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe của người khác và gây thiệt hại không nhỏ đến ngành nuôi thủy sản Việt Nam. Để hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng bơm tạp chất vào tôm nói riêng và thủy sản nói chung, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi này.

Xem thêm:
Luật Chăn nuôi 2018: 7 điểm mới, đáng chú ý nhất

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục