Về chẩn đoán viêm gan vi rút C tại Hướng dẫn ban hành kèm Quyết định 2855/QĐ-BYT có thể thông qua:
(1) Các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng
- Về triệu chứng lâm sàng:
Phần lớn người nhiễm bệnh viêm gan vi rút C không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có biểu hiện xơ gan hoặc ung thư gan. Đôi khi có mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đau cơ…
Có thể có các biểu hiển ngoài gan như: đau khớp, viêm khớp, viêm da, tóc dễ gãy rụng, cryoglobulinemia (globulin bất thường trong máu), đau cơ, bệnh cơ tim, viêm cầu thận tăng sinh màng,…
- Về triệu chứng cận lâm sàng có thể thực hiện thông qua xét nghiệm kháng thể kháng bệnh viêm gan vi rút C (anti-HCV) để phát hiện tình trạng nhiễm bệnh hoặc cũng có thể thông qua xét nghiệm kháng nguyên của bệnh viêm gan vi rút C (HVC cAg, HCV RNA).
Nếu HCV RNA định tính dương tính hoặc định lượng HCV RNA trên ngưỡng phát hiện thì có thể khẳng định nhiễm bệnh viêm gan virut C.
(2) Việc xác định bệnh viêm gan vi rút C cũng có thể thông qua chẩn đoán xác định bệnh viêm gan vi rút C cấp hoặc viêm gan vi rút C mạn.
- Đối với viêm gan vi rút cấp: Thời gian nhiễm viêm gan vi rút dưới 6 tháng; có thể chuyển đảo huyết thanh từ anti-HCV âm tính sang anti-HVC dương tính; có tiền sử phơi nhiễm nguồn bệnh; không có biểu hiện lâm sàng hoặc có biểu hiện của viêm gan cấp như mệt, vàng mắt, vàng da…
- Đối với viêm gan vi rút C mạn: Thời gian nhiễm viêm gan vi rút trên 6 tháng; có hoặc không có biểu hiện lâm sàng; Anti-HCV dương tính và HCV RNA dương tính hoặc HCVcAg dương tính; không có/hoặc có xơ hóa ga, xơ gan…
Quyết định 2855/QĐ-BYT được ban hành ngày 26/9/2024