Bộ Tài chính mới có hướng dẫn xác định thế nào là doanh nghiệp có hành vi trốn thuế và thủ tục xử phạt chậm nộp tiền thuế.
Đối với trường hợp các tổ chức, cá nhân trong quá trình kê khai, quyết toán thuế có hành vi kê khai, xác định không đúng căn cứ tính thuế theo quy định của từng sắc thuế, làm giảm số thuế phải nộp; làm tăng số thuế được hoàn, miễn, giảm, nhưng số liệu về các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế đã phản ánh đầy đủ trên sổ sách kế toán, trên báo cáo tài chính đơn vị gửi cơ quan thuế theo đúng quy định thì chưa đủ căn cứ để kết luận là hành vi trốn thuế. Vì vậy, theo quy định, cơ quan thuế sẽ truy thu đủ số thuế còn thiếu theo quy định. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt trong lĩnh vực kế toán theo Nghị định 185/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
Hành vi trốn thuế chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm như trên, nhưng tái phạm với hành vi tương tự, trong thời gian chưa chấp hành xong việc truy thu thuế và quyết định xử phạt (trong lĩnh vực kế toán hoặc hóa đơn, chứng từ) hoặc chưa quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong việc truy thu thuế, xử phạt.
Việc không xác định là hành vi trốn thuế còn được Bộ Tài chính xem xét đối với những trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ghi sổ sách kế toán không đúng chế độ kế toán; bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ rồi lập hóa đơn ghi giá trị thấp hơn từ 20% trở lên so với giá bán trung bình cùng loại trên thị trường (trường hợp này cơ quan thuế chỉ truy thu đủ các loại thuế theo giá bán thực tế).
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm nộp tiền thuế, tiền phạt là cơ quan thuế xác định số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp và tỷ lệ phạt nộp chậm để thông báo cho đối tượng nộp thuế thực hiện, không phải lập biên bản hành chính.
(Theo HNM)