Bế mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XI: Thông qua các Nghị quyết quan trọng của kỳ họp

Hôm nay (3/12), kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XI họp phiên bế mạc. Trước đó, Quốc hội đã dành hơn 2 ngày để Thủ tướng Phan Văn Khải và một số thành viên Chính phủ giải trình và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, mục đích của chất vấn là nhằm xây dựng các bộ, ngành mạnh lên, Chính phủ mạnh lên, QH mạnh lên cả bộ máy mạnh lên để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Ðăng đàn trước Quốc hội, Tổng thanh tra Nhà nước Quách Lê Thanh đã giải trình 6 vấn đề về tình trạng lãng phí, thất thoát trong các dự án đầu tư; giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu và các ngành chức năng trong kiểm tra, thanh tra nhưng để xảy ra tiêu cực; vai trò của bộ máy thành tra trong phát hiện, xử lý tham nhũng; việc thành lập cơ quan chống tham nhũng... Trong 5 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại kỳ họp này, phần trả lời của Bộ trưởng Thương mại Trương Ðình Tuyển đã gây được sự chú ý của các đại biểu và được đánh giá cao nhất vì đi thẳng vào vấn đề cử tri và các QH quan tâm. Với việc chọn tiêu cực liên quan đến đường dây chạy quota là nội dung đầu tiên giải trình trước QH, ông Tuyển thừa nhận tiêu cực là có, nhưng sai phạm đến đâu thì phải chờ cơ quan an ninh điều tra xem xét, và kết luận. Ông khẳng định: "Sai phạm dù ở bất kỳ hình thức nào, trước hết thuộc trách nhiệm của người gây ra sai phạm, tuy nhiên, cá nhân tôi dù không có một hành vi tiêu cực nào, nhưng với tư cách là Bộ trưởng, người đứng đầu đơn vị, tôi phải chịu trách nhiệm về những sai phạm, tiêu cực thuộc bộ mình và xin chịu trách nhiệm trước QH".


Trả lời về trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Trương Ðình Tuyển khẳng định, trách nhiệm hành chính tôi đã nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Còn nếu QH bỏ phiếu tín nhiệm thì tôi xin chịu nhưng phải xem xét lại bối cảnh cụ thể. Không ai muốn bị xử oan cả. Từ trước đến nay tôi chưa từng nhận bất cứ một phần thưởng, thành tích nào cả vì phần thưởng lớn nhất đối với tôi là tôi được làm tốt nhất phần việc của mình. Ngoài vụ tiêu cực trong phân bổ quota hàng dệt may, Bộ trưởng Trương Ðình Tuyển cũng giải trình và trả lời chất vấn xung quanh các vấn đề như thị trường trong nước, biến động về giá cả, vật tư phân bón, xuất khẩu gạo, chống buôn lậu, gian lận thương mại...


Trong phiên chất vấn cuối của kỳ họp, QH đã dành một buổi sáng (2/12) để Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phát biểu và trả lời chất vấn của các đại biểu. Ðề cập tới cải cách hành chính, chống tham nhũng nói nhiều nhưng làm ít, theo Thủ tướng, nguyên nhân quan trọng là hệ thống hành chính, trước hết là người đứng đầu các ngành, các cấp chưa thoát khỏi tình trạng cuốn hút vào công việc sự vụ, họp hành, lễ nghi quá nhiều, chưa dành đủ tâm sức, thời gian cho những công việc thuộc chức năng quản lý nhà nước. Thủ tướng thừa nhận, ngay cả Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng lâm vào tình trạng đó. Năm 2005, kiên quyết xây dựng hoàn chỉnh thể chế và kiểm tra việc thực hiện thể chế trong bộ máy hành chính. Mỗi bộ, địa phương cần lựa chọn lĩnh vực có nhiều vấn đề nổi cộm để kiểm tra, thanh tra, trong đó tập trung kiểm tra thực hiện quy chế công vụ trong quan hệ với dân, DN, quy chế đấu thầu xây dựng bằng vốn Nhà nước. Về chống tham nhũng, Thủ tướng khẳng định, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đối với những người sai phạm và người bao che cho sai phạm, bất kể ở cương vị nào đều xử lý nghiêm minh theo đúng luật và công bố công khai. Tuy nhiên điều quan trọng không chỉ là xử lý nghiêm minh khi xảy ra tham nhũng mà phải xây dựng thể chế công khai, minh bạch và tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra trong từng cơ quan, đề cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ cao cấp, phát huy khả năng giám sát của quần chúng.


Trả lời chất vấn về vấn đề tiền lương, Thủ tướng khẳng định, tiền lương sẽ được tính bắt đầu từ tháng 1/10, Chính phủ đã báo cáo QH, tuy nhiên do còn có vấn đề trong tính toán thang bảng lương ở một số lĩnh vực cần phải cân nhắc kỹ nên chưa triển khai nhưng sẽ được truy lĩnh. Chính phủ đang cố gắng đẩy nhanh lộ trình xây dựng thang bảng lương để hoàn tất vào năm 2007 (kế hoạch 2010).


Về hệ thống bộ máy hành chính, Thủ tướng thừa nhận, kỷ cương trong bộ máy chưa được nghiêm, nhưng không có chuyện, Thủ tướng nói, cấp dưới không chấp hành. Năm 2003, qua phản ánh của báo chí, Thủ tướng đã cho kiểm tra xử lý trên 140 vụ việc. Thủ tướng đề cao vai trò của báo chí và coi đây là một khâu trong công tác chỉ đạo, điều hành chống tiêu cực, tham nhũng.


Phát biểu kết thúc phần chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên tham gia trả lời chất vấn trực tiếp trước QH đã thể hiện cái mới, cái tiến bộ tạo không khí cởi mở, dân chủ công khai trong sinh hoạt của QH, nó tăng thêm phần gắn bó hữu cơ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với đại biểu QH, cử tri và nhân dân trong cả nước. mong rằng các kỳ họp sau Thủ tướng cũng sẽ tham gia chất vấn và trả lời chất vấn như tại kỳ họp này. Một điểm mới nữa tại kỳ họp lần này là gắn thảo luận với báo cáo chuyên đề, báo cáo giám sát với chất vấn và trả lời chất vấn. Theo Chủ tịch, tuy có tiến bộ nhưng hoạt động chất vấn vẫn còn yếu kém. Nhiều câu hỏi của đại biểu còn dài quá mà người điều khiển đề nghị cũng không được, thậm chí người nêu câu hỏi lại gợi ý khéo cho bộ trưởng trả lời và có bộ trưởng trả lời lại gợi ý cho đại biểu sao chưa hỏi tôi vấn đề này, nếu hỏi tôi sẽ trả lời như thế này... Nhiều bộ trưởng trả lời tốt nhưng cũng có người trả lời dài, chưa đi thẳng vào vấn đề. Rất ít bộ trưởng nói được trách nhiệm của mình. Chủ tịch đánh giá cao phần trả lời của bộ trưởng Trương Ðình Tuyển và cho rằng bộ trưởng đã "dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", trả lời chất vấn rất thẳng thắn. Chủ tịch cho rằng "thông thường tiêu cực xảy ra là do Bộ trưởng không sát người, sát việc. Vì vậy rất mong các vị bộ trưởng lưu ý 6 chữ: "trách nhiệm, sâu sát, kiên quyết - thì mọi việc sẽ đâu vào đó".


Chủ tịch nhấn mạnh, trả lời chất vấn không đơn giản là báo cáo mà cái chính là xác định trách nhiệm của ngành của cá nhân trước QH và nhân dân. Mục đích của chất vấn là nhằm xây dựng các bộ, ngành mạnh lên, Chính phủ mạnh lên, QH mạnh lên cả bộ máy mạnh lên để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, dân chủ công khai phải có nguyên tắc, phải theo pháp luật và phải nắm vững mục đích không xa rời mục đích không mơ hồ ảo tưởng. Chủ tịch cho rằng, tuy QH đã gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư tình cảm của dân nhưng mới chỉ là bước đầu so với chức năng và đòi hỏi của cử tri vẫn còn thấp nên phải cố gắng nhiều hơn.


Sau phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, QH đã nghe tờ trình của Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ nhiệm ông Cao Ðức Phát, quyền Bộ trưởng NN-PTNT làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Hôm nay (3/12), QH họp phiên bế mạc thông qua các Nghị quyết phê chuẩn thành viên Chính phủ, chương trình hoạt động giám sát năm 2005 và Nghị quyết nhiệm vụ năm 2005.

 

(Nguyễn Đức - Kinh Tế và Đô Thị)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục