Nội dung đáng chú ý này được Quốc hội thông qua tại Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 01/01/2021 tới đây.
Hiện nay, khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ):
- Người sử dụng lao động thông báo bằng văn bản cho người lao động biết về thời điểm chấm dứt HĐLĐ ít nhất 15 ngày trước khi hết hạn;
- Hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ; có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày trong trường hợp đặc biệt.
Bỏ quy định về số ngày phải báo trước khi hết hạn HĐLĐ (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, đến Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động chỉ phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt HĐLĐ mà không còn phải bảo đảm thời gian báo trước 15 ngày như quy định hiện nay.
Đồng thời, quy định này cũng liệt kê các trường hợp người sử dụng lao động không phải thông báo bằng văn bản cho người lao động gồm:
- Người lao động bị kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do, bị tử hình…
- Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án; cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải;
- Người lao động chết, bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết…
Bộ luật này được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019.