Theo đó, các nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị. Thời hạn bảo hành công trình kể từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng hoặc căn cứ vào hợp đồng nhưng không được ít hơn 24 tháng đối với công trình đặc biệt và cấp I, không ít hơn 12 tháng đối với công trình cấp còn lại.
Riêng đối với nhà ở vẫn được thực hiện theo Điều 74 Luật Nhà ở số 56/2005/QH11, cụ thể: tối thiểu 60 tháng đối với nhà chung cư từ 09 tầng trở lên và các loại nhà ở khác được đầu tư xây dựng bằng ngân sách Nhà nước; tối thiểu ba mươi sáu tháng đối với nhà chung cư từ 04 - 08 tầng; tối thiểu 24 tháng đối với loại nhà ở khác.
Ngoài ra, Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể về phân loại, báo cáo và giải quyết sự cố, cụ thể: Các loại sự cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình xây dựng được chia thành 04 cấp theo mức độ thiệt hại về người và vật chất, bao gồm: Cấp đặc biệt nghiêm trọng, cấp I, cấp II và cấp III. Ngay sau khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư phải báo cáo tóm tắt về sự cố cho UBND cấp xã và có văn bản báo cáo UBND các cấp trong vòng 24 giờ; đồng thời tiến hành các giải pháp phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp phát hiện chất lượng công trình không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ công trình hoặc biện pháp thi công không đảm bảo an toàn thì cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng được quyền tạm dừng thi công công trình và chỉ cho phép thi công sau khi chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2013 và thay thế các Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/04/2008.
LuậtViệtnam