Theo đó, Quy chế này áp dụng đối với việc xây dựng và quản lý hệ thống chỉ tiêu chung về nợ nước ngoài của quốc gia, các ngưỡng an toàn nợ, hạn mức vay nợ, trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan có liên quan trong việc đánh giá tình trạng nợ nước ngoài, nhằm xây dựng và điều chỉnh chiến lược, chính sách vay nợ của Chính phủ cho phù hợp, đảm bảo an toàn nợ quốc gia.
Nội dung quy chế nêu rõ: Nguyên tắc của việc đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài là thực hiện liên tục, thường xuyên; việc đánh giá, giám sát nợ nước ngoài phải kết hợp với đánh giá, giám sát nợ trong nước của Chính phủ và giám sát các nghĩa vụ nợ dự phòng; đảm bảo các quy định, hướng dẫn phải được tuân thủ, các kiến nghị đề xuất phải kịp thời, cụ thể và có tính khả thi.
Các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia được đánh giá, giám sát theo ngưỡng an toàn nợ bao gồm: giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với GDP; giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (PV FD/EX); giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ hàng năm so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm so với thu ngân sách nhà nước; dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng số nợ nước ngoài ngắn hạn.
Cũng theo Quy chế trên, nhóm chỉ tiêu nợ nước ngoài của Chính phủ và của khu vực công bao gồm: vay nước ngoài bù đắp bội chi ngân sách nhà nước; giá trị hiện tại của nợ nước ngoài của khu vực công so với GDP; nghĩa vụ trả nợ hàng năm của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ nợ dự phòng so với thu ngân sách nhà nước. Nhóm chỉ tiêu nợ nước ngoài của doanh nghiệp gồm các chỉ tiêu: nợ ngắn hạn/tổng nợ nước ngoài; nợ đến hạn trong kỳ/tổng nợ nước ngoài; dư nợ quá hạn cuối kỳ/tổng nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Hàng năm, tiến hành phân tích Danh mục nợ quốc gia và Danh mục nợ Chính phủ theo các chỉ tiêu nợ nước ngoài; so sánh với các ngưỡng an toàn về nợ nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành và báo cáo Chính phủ trong quý I năm sau. Đồng thời, hai năm một lần tiến hành phân tích bền vững nợ; kiến nghị các biện pháp điều chỉnh Chính sách vay nợ nước ngoài trung và dài hạn, đảm bảo an toàn nợ, báo cáo Chính phủ trước cuối tháng 6 năm sau.
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có hoạt động vay nợ nước ngoài tuân thủ đầy đủ các quy định của Quy chế quản lý vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, các quy định về đăng ký khoản vay; thực hiện chế độ báo cáo tình hình nợ nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định hiện hành; chủ động tổ chức quản lý nợ, quản lý rủi ro; góp phần ổn định kinh tế chung; tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nợ tìm hiểu thông tin, hiện trạng nợ của doanh nghiệp khi cần thiết.
. (Luật Việt Nam)